Vừa qua, Công ty Donacoop nổi như cồn trên báo chí và mạng xã hội bởi doanh nghiệp này đã tung thông tin đàm phán mua xong 15 triệu liều vắc xin Pfizer và hàng sẽ được đưa về tới sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 15/9.
Hình minh họa (Internet)
Donacoop cũng từng khẳng định, nếu phần thủ tục giấy tờ chưa xong, vẫn đưa vắc xin về nước và mong Bộ Y tế hỗ trợ tiếp nhận. Sau đó, sẽ dần hoàn thiện các thủ tục hồ sơ. Và số vắc xin này sẽ tiêm cho người dân Đồng Nai.
Trước những khẳng định “chắc như đinh đóng cột” từ phía doanh nghiệp, người dân vừa vui mừng, vừa hoang mang, bán tín bán nghi vì không biết sự thật như thế nào? Có hay không một doanh nghiệp có thể tự đàm phán mua được vắc xin? Tuy nhiên, dù cảm xúc thế nào thì người dân vẫn mong chờ, hy vọng.
Đến nay, ngày 15/9 đã trôi qua, nhưng không có chuyến bay hay lô hàng vắc xin Pfizer nào liên quan đến Donacoop được nhập về.
Từ khi phát ra thông tin mua được vắc xin đến nay, cả Donacoop và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đều im lặng. Và vắc xin cũng bặt vô âm tín.
Trước đó, sau thông tin do Donacoop tung ra, trả lời trên nhiều tờ báo, đại diện Pfizer tại Việt Nam đã tuyên bố hãng chưa từng làm việc với Donacoop; quan điểm nhất quán và được thực hiện xuyên suốt, toàn cầu của Pfizer là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ các nước và tổ chức COVAX để cung ứng vắc-xin, không làm việc với doanh nghiệp tư nhân; đến nay Pfizer không chấp nhận bất cứ đơn vị tư nhân nào đàm phán mua hoặc làm trung gian phân phối vắc-xin của hãng này.
Và đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng từng cho biết, cơ quan này vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ nào về việc Donacoop đề nghị nhập khẩu vắc xin Covid-19.
Phải chăng, Donacoop đã “nổ” như nhiều người nhận định là có thật? Vấn đề đặt ra, tại sao doanh nghiệp, hay nói đúng hơn, chủ doanh nghiệp lại đưa chính quyền, cơ quan quản lý và người dân vào câu chuyện hoang tưởng, nằm ngoài khả năng của mình?
Nhiều người cho rằng bệnh “nổ” đã và đang xuất hiện như một “bệnh lý” lạ. Có nhiều người “nổ” để “đánh bóng” tên tuổi của mình, hoặc khoe mẽ, nói quá lên về khả năng của mình nhằm muốn nổi tiếng, gây sự chú ý, sự ngưỡng mộ từ người khác hoặc nhằm mục đích trục lợi nào đó.
Chúng ta đặt câu hỏi, vậy Donacoop có động cơ gì khi tung tin đã mua được vắc xin? Nếu mục đích chỉ là đánh bóng tên tuổi, khiến người khác phải ngưỡng mộ, thán phục, không gây ảnh hưởng đến người khác, thì không phải bàn. Tuy nhiên, ở đây, Donacoop đã tác động lôi kéo cả UBND tỉnh Đồng Nai vào cuộc. Chính lãnh đạo địa phương này đã ký công văn gửi ra tận Chính phủ và Bộ Y tế yêu cầu hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp này. Khiến cho Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp hỗ trợ.
Cả nước đang trong giai đoạn rất cần vắc xin để mong miễn dịch cộng đồng, tiến tới cuộc sống bình thường mới, doanh nhiệp có thể cùng đồng hành với Chính phủ và người dân bằng nhiều cách, chung tay chống dịch bằng cách như: ủng hộ quỹ vắc xin, hỗ trợ tuyến đầu, hay cứu trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn…Tất cả đều được nghi nhận.
Một người dân cho rằng, thực tế, không ai bắt buộc hay yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp làm những điều vượt quá khả năng của mình. Tuy nhiên, cũng không được phép phát ra những thông tin gây hoang mang dư luận, làm mất thời gian của mọi người, trong đó có cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí. Làm mất thời gian, lôi kéo cả chính quyền vào câu chuyện của mình, rồi chỉ cần im lặng là xong, thì hệ huỵ rất lớn, sẽ có những doanh nghiệp “nổ” tiếp theo ra đời.
Vậy một người là chủ doanh nghiệp, cố tình phát ngôn không đúng hoặc hành xử sai trái, ảnh hưởng đến cộng đồng thì có bị xử lý không?