Đơn thuốc khủng
Đây chỉ là tiền đơn thuốc còn chưa kể các loại đơn thuốc khác và tiền viện phí, gường bệnh cũng như đủ các khoản tiền mà một người ở bệnh viện phải chi tiêu. Nhưng vì với tâm lý có bệnh phải điều trị và nhiều người dù “tiếc đứt ruột” nhưng họ vẫn cố gắng chữa bệnh giữ lại mạng sống cho mình.
Đơn thuốc gần 130 triệu đồng cho một bệnh nhân này đã khiến nhiều người đồng bệnh lo lắng vì điều trị xong bệnh thì cũng bại sản. Chị Đỗ Thị Ng. sinh năm 1976 tại Hải Phòng cho biết chị bị ung thư vú và hiện tại chi phí điều trị được BHYT thanh toàn 1 phần, chị cũng được truyền đích nhưng chỉ mất khoảng 7 – 10 triệu đồng/tháng. Việc điều trị kéo dài gần 2 năm với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng, lại không thể đi làm ra tiền đó cũng là chi phí lớn. Nhìn đơn thuốc hơn gần 130 triệu đồng chị Ng. “choáng”.
Anh Đậu Xuân A. - bệnh nhân từ Đà Nẵng ra Hà Nội khám bệnh với hi vọng có thể điều trị khỏi căn bệnh viêm da khó nói của mình. Sau khi bác sĩ kê đơn thuốc lần 1 với giá 5,3 triệu đồng nhưng về nhà điều trị không khỏi khiến anh vô cùng buồn bã.Việc bác sĩ lạm dụng chỉ định cũng như ngay chính bản thân bệnh nhân cũng đòi hỏi phải được như thế này, như thế kia chỉ thêm tốn kém đôi khi không có hiệu quả. Ví dụ trường hợp bệnh nhân bị một số bệnh về viêm da cơ địa, viêm da mãn tính có người phải gánh đơn thuốc 10 triệu đồng/tháng và điều trị hoàn toàn không khỏi được nhưng họ vẫn tin rằng thuốc đắt thì sẽ khỏi bệnh.
Theo lời hẹn của bác sĩ, 1 tháng sau anh lại bay ra khám và đơn thuốc lần này giảm xuống 3,9 triệu đồng nhưng hiệu quả hầu như chẳng có tác dụng gì. Với đơn thuốc đắt đỏ nhưng bệnh không khỏi khiến anh mất niềm tin. Anh mang đơn thuốc đó đến một bác sĩ khác và được tư vấn đơn thuốc quá đắt đỏ và chứng viêm da của anh chỉ cần sử dụng khoảng bằng 1/10 giá trị bác sĩ kê cũng đảm bảo bệnh không lan rộng và giảm triệu chứng viêm.
Lỗi cả thầy thuốc - bệnh nhân
GS Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia bộc bạch, hiện nay việc “kinh tế hóa” bệnh viện coi bệnh nhân là khách hàng cũng gây ra không ít hệ lụy. Đặc biệt là việc bác sĩ trở thành thương nhân còn người bệnh là khách hàng mua dịch vụ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới câu chuyện thầy thuốc – người bệnh. Mối quan hệ này nếu được “theo yêu cầu” thì ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người bác sĩ cũng như chất lượng điều trị.
Những đơn thuốc khủng ngày càng xuất hiện nhiều hơn và đây là hệ thống chứ không riêng một bác sĩ nào. Có bác sĩ họ không muốn kê đơn “khủng” nhưng rơi vào guồng quay họ đành phải như vậy.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn, công tác tại Hà Nội cũng cho rằng việc đưa bệnh nhân lên làm khách hàng để phục vụ cần nghĩ lại, xem xét lại. Bác sĩ Tuấn Anh kể chính bản thân con viêm mũi họng, sốt đi khám bác sĩ tai mũi họng. Hai cục Amidal sưng to tướng. Bác sĩ bảo nghỉ hè sắp xếp vào viện cắt bỏ (gây mê).
Vì có bạn thân cũng làm chuyên ngành tai mũi họng ở một bệnh viện lớn, bác sĩ đã hỏi xin tư vấn và được giải thích rằng hiện nay các bác sĩ tai mũi họng luôn khuyên bệnh nhân đi cắt Amidal nhưng vợ con của chính bản thân bác sĩ thì không bao giờ cắt.
Bởi vì amidal là hàng rào bảo vệ các viêm nhiễm vùng mũi họng, nó sẽ hết sưng khi giải quyết ổn các viêm nhiễm trên. Không có bộ phận nào của cơ thể là thừa hết. Chỉ cắt bỏ khi nó không còn chút khả năng bảo vệ nào nữa. Còn lý do tại sao bác sĩ kia chỉ định như vậy là vì các bệnh nhân khác đến khám đều đòi được cắt, các bác sĩ giải thích nhưng người bệnh vẫn thích được phẫu thuật, lâu dần thành quen. Và cuối cùng là cắt, cắt bác sĩ vừa có tiền, bệnh nhân cũng yên tâm rằng cắt amidal rồi sẽ hết viêm.
Bác sĩ Tuấn cho rằng khi bệnh nhân được "nâng" làm khách hàng thì họ cũng có quyền đòi hỏi bác sĩ "chỉ định" cho mình. Các bác sĩ đều quen với những bệnh nhân khách hàng tới "đòi" được làm dịch vụ này, dịch vụ kia trong khi điều đó không cần thiết.
"Có bệnh nhân bị dị ứng đến gặp tôi cần truyền cho nhanh khỏi! Tất nhiên pha Corticoid. Tôi mất rất nhiều thời gian giải thích: bệnh này chỉ cần dùng mỗi kháng histamin, nó sẽ tự dung nạp (khỏi) sau một thời gian, nếu truyền corticoid sẽ dẫn đến lệ thuộc corticoid và không bao giờ khỏi nữa... Giải thích xong, bệnh nhân hỏi: thế bao giờ truyền cho em? Tôi lại phải truyền vì bệnh nhân đòi được truyền. Truyền xong bệnh nhân vui vẻ ra về, vài tháng sau lại vào, bệnh nặng hơn và tần suất ngày càng dày lên. Việc bệnh nhân đòi bác sĩ chữa theo kiểu mình muốn cũng gây không ít những khó khăn cho chính bác sĩ điều trị của họ.