Nhiều gia đình có con gái sắp đến tuổi dậy thì thường không để ý hoặc không biết cách nói chuyện, định hướng về vấn đề giới tính cho con như thế nào cho phù hợp, nhất là các gia đình ở nông thôn, miền núi. Để chuẩn bị những kiến thức cho con gái đón nhận tuổi dậy thì, kỳ kinh nguyệt đầu tiên mà không bối rối là rất cần thiết.
Trên thực tế, người mẹ, người chị trong gia đình là người thầy tốt nhất để hướng dẫn, cung cấp cho con gái những hiểu biết về sự phát triển thể chất, sinh lý sinh sản cách vệ sinh phụ nữ ở lứa tuổi dậy thì. Người mẹ, người chị trong gia đình cần có hiểu biết và chuẩn bị những kiến thức cho các bé gái đến tuổi dậy thì.
Độ tuổi dậy thì của trẻ em gái phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thể chất, tâm sinh lý, điều kiện kinh tế, xã hội. Hiện nay, trẻ em gái thường bắt đầu dậy thì từ 12, 13 tuổi.
Khi đến tuổi dậy thì, cơ thể bé gái phát triển, lớp mỡ dưới da dày lên làm cho cơ thể các em trở nên mềm mại, nữ tính, rõ nét các đường cong của cơ thể. Bầu vú bắt đầu phát triển, quầng vú dày lên, sẫm lại, núm vú nhô ra, bầu vú lớn dần, tròn trịa dần, có thể vú bên này phát triển nhanh hơn bên vú kia một chút, có khi thấy ngứa hoặc đau tức ở vú.
Nhiều em gái phải đến tuổi 20 thì vú mới bằng nhau. Đa số các em gái thường rất bối rối khi thấy mình bắt đầu có ngực, lúc này người mẹ phải hướng dẫn giúp con chọn mua loại áo ngực phù hợp; nên chọn loại áo mỏng, thoải mái, không chật quá, không nên cho con mặc các loại áo có đệm mút, áo nâng ngực; nên khuyên trẻ khi ở nhà, không phải đi học, đi ra ngoài thì nên cởi bỏ áo ngực, đảm bảo cho sự phát triển tự nhiên.
Cùng với đó là buồng trứng bắt đầu hoạt động, xuất hiện kinh nguyệt. Lông cũng bắt đầu mọc ở vùng kín và hố nách. Lúc này người mẹ cũng phải quan tâm, hướng dẫn con gái cách chọn băng vệ sinh phù hợp, cách vệ sinh bằng nước sạch, thay băng vệ sinh thường xuyên để tránh viêm nhiễm, giặt quần lót sạch sẽ, không phơi quần áo lót ở những chỗ ẩm thấp, tối tăm để không bị nhiễm nấm.
Dạy trẻ cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, theo dõi và nhận biết được các thay đổi có tính chất bệnh lý liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Vì vậy, đối với gia đình có bé gái ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên bắt đầu giúp trẻ hiểu về sự thay đổi cơ thể theo từng lứa tuổi. Trên thực tế nhiều cha mẹ chưa thực sự quan tâm trong việc giáo dục sức khỏe cho con cái.
Đối với bé gái, người mẹ nên nói chuyện với con về kinh nguyệt trước khi bé bước vào tuổi dậy thì. Nếu để đến lúc xảy ra, bé không hiểu rõ những thay đổi trong cơ thể mình thì cảm thấy hoang mang, lo sợ. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể nói cho con biết, đến tuổi này ngoài sự thay đổi nhanh chóng về tầm vóc có thể còn có những thay đổi đặc biệt về sinh lý.
Khi có con gái ở tuổi dậy thì, người mẹ nên chủ động hướng dẫn con vệ sinh thân thể, đặc biệt là ở chỗ kín để tránh vi khuẩn phát triển, gây hôi hám, dẫn đến nhiễm khuẩn đường sinh dục và tiết niệu... điều này vô cùng quan trọng với các bé gái.