Giá 70 dịch vụ y tế chính thức giảm từ ngày 15/7
Trang Sức khỏe Đời sống đưa tin, theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày hôm nay sẽ có 70 dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm giá gồm: giảm 17% cho 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã), giảm 6% cho 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 24% cho 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.
Trong đó, giá khám bệnh sẽ giảm 15 – 20%, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 giảm xuống chỉ còn 33.100 đồng thay cho giá hiện nay là 39.000. Tương tự, giá tại bệnh viện hạng 2 còn 29.600 thay vì 35.000 đồng. Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 23.300 đồng.
Ngoài ra còn có 9 dịch vụ y tế điều chỉnh tăng khoảng 5%, là giá giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu; đồng thời bổ sung giá của 9 loại dịch vụ kỹ thuật mới.
Xử lý thuốc Trung Quốc có chứa Valsartan, dược chất có nguy cơ gây ung thư
Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu thông báo thu hồi các thuốc chứa Valsartan được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical-Trung Quốc sản xuất.
Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu, lưu hành, sử dụng các thuốc có tên trong danh sách các thuốc chứa Valsartan chưa có báo cáo về nguồn gốc nguyên liệu bị tạm dừng nhập khẩu, lưu hành và sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.
2 tháng 2 vụ cả trăm công nhân nhập viện: Do thuốc trừ sâu, nắng nóng và…?
Sáng ngày 6/7/2018, hàng chục công nhân Công ty Yazaki (Quảng Ninh) phải nhập viện khẩn cấp, kết luận ban đầu của chính quyền địa phương là do nắng nóng. Theo báo Lao Động đưa tin, trong hơn một tháng qua đã có tới cả trăm công nhân, trong đó phần lớn là nữ, có những người đang mang thai, phải nhập viện do đang làm việc thì khó thở, đau đầu, buồn nôn và ngất. Công nhân vẫn cho rằng là do khí lạ có độc, trong khi kết luận ban đầu của cơ quan chức năng và Công ty có sự khác biệt: Lần thì do thuốc trừ sâu, lần lại do nắng nóng.
Rất nhiều công nhân Công ty Yazaki Đông Mai không đồng tình với kết luận ban đầu của hai sự việc trên. Mùa nắng nóng sắp qua đi và không phải ngày nào dân cũng phun thuốc trừ sâu, nếu công nhân lại nhập viện, lý do gì sẽ được đưa ra để khỏa lấp...?
Nghiên cứu về nhiễm khuẩn huyết của Việt Nam nhận giải thưởng Alexandre Yersin
Dưới sự chỉ đạo, chủ trì của PGS.TS. Lê Hữu Song, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do TS.Ngô Tất Trung và cộng sự đã tập trung nghiên cứu để giải quyết vấn đề khó khăn này.
Theo Baomoi.com, qua nhiều năm nghiên cứu, nhóm tác giả đã tìm được một phương pháp loại bỏ hơn 99% ADN người mà không làm mất ADN của vi khuẩn trong mẫu máu. Từ đó, nâng tỷ lệ dương tính của PCR lên hơn 50% so với cấy máu chỉ 34%.
Đây là một giải pháp mới có giá trị trong thực tiễn giúp chẩn đoán xác định mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết. Nhờ kết quả này, đã có hơn 16% bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Đang nằm trên bàn đẻ, sản phụ và thai nhi bất ngờ tử vong
Theo người nhà sản phụ H.T.L. (38 tuổi, trú tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), chị L. được nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh vào khoảng 10 giờ ngày 14-7. Đến khoảng 7 giờ sáng ngày 15-7, sản phụ này đã tử vong.
Theo Dân Việt, vào lúc 5 giờ 45 phút ngày 15-7, sản phụ L. đang nằm trên bàn đẻ, có cơn co tử cung nhẹ, thai đầu cao, tim thai 140 lần/phút… thì bất ngờ xuất hiện ối vỡ, nước ối màu xanh bẩn. Trước diễn biến bất thường trên, các bác sĩ bệnh viện đã mời hội chẩn lãnh đạo khoa.
Khoảng 15 phút sau, sản phụ L. bắt đầu thấy mệt, da nổi vân tím, huyết áp 110/70mmHg.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chẩn đoán: Sản phụ sốc chưa rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Hoàng Song Hào, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, cho biết sự việc đã được báo cáo lên Sở Y tế.
Bộ Y tế cảnh báo: Nguy hiểm chết người nếu nhầm lẫn giữa sam và so biển
Theo VTC News, cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, do có hình dáng giống nhau, nên việc nhầm lẫn giữa 2 loài là sam biển và so biển rất nguy hiểm.
Món ăn phổ biến được nhân dân ta, nhất là bà con vùng biển ưa thích là trứng sam nướng bởi đây là món ăn béo, thơm, nhiều chất đạm, ăn ngon miệng và giàu chất dinh dưỡng có tác dụng bồi bổ cơ thể.
Ngược lại, trứng so rất độc, ăn phải sẽ bị ngộ độc nguy hiểm. Chất độc giết người trong loài so biển là Tetrodotoxin, một chất cực độc giống độc tố của cá nóc. Những vụ ngộ độc thức ăn do Tetrodotoxin thường rất nặng. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Thu hồi thuốc viên nang Agifamcin 300 giả
Theo báo Nghệ An, qua công tác giám sát về hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc Agifamcin 300, đoàn kiểm tra đã phát hiện trên thị trường có lưu hành một số hộp thuốc Agifamcin giả, trên nhãn ghi mạo danh nhà sản xuất Công ty cổ phần dược phẩm Agimexpharm và các thông tin "thuốc viên nang Agifamcin 300, số đăng ký VD-14223-11, số lô 00916, hạn dùng 22/3/2019".
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc ngừng ngay việc phân phối, sử dụng và thực hiện thu hồi, trả lại đơn vị đã cung cấp thuốc viên nang nêu trên. Được biết, thuốc viên nang Agifamcin là thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm.
Sản phụ khỏe mạnh bị cắt bỏ cổ tử cung, mất con bất thường sau khi sinh
Theo báo ĐSPL, một sản phụ khỏe mạnh sau khi sinh tại bệnh viện Đa khoa huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đã mất con và phải cắt bỏ cổ tử cung, đang đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Lúc 19 giờ ngày 5/7 anh Bảy, chồng sản phụ An, đưa vô vào bệnh viện đa khoa Kiên Lương để sinh con. Đến khoảng 2h30 sáng 6/7, BV lại thông báo rằng, vợ tôi bị băng huyết, chảy máu rất nhiều phải cắt bỏ cổ tử cung để cứu mạng sống, yêu cầu người nhà ký vào giấy cam kết.
Tiếp theo đó, bệnh viện thông báo người nhà chuẩn bị chuyển em bé lên bệnh viện đa khoa Kiên Giang để cấp cứu, với lý do "em bé bị bẩm sinh ngực thấp, ngực cao nên thở yếu".
Bác sĩ Huỳnh Kim Thu - Trưởng Khoa sản bệnh viên đa khoa huyện Kiên Lương xác nhận việc sản phụ Văn Thị Thúy An tới sinh con tại bệnh viện đa khoa huyện Kiên Lương vào ngày 5/7. Hiện sản phụ Thúy An bị cắt bỏ cổ tử cung và con gái của sản phụ đã tử vong.
TP.HCM: Người đàn ông 46 tuổi phải cắt chân vì uống thuốc tim mạch không đều
Ông P.T.N (46 tuổi, quê TP.HCM) có tiền căn nhồi máu não - bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ - rung nhĩ - suy tim nhưng uống thuốc điều trị không đều. 2 ngày trước nhập viện, cẳng chân phải của ông N. đau và tím dần.
Tại BV, ekip điều trị đã tiến hành phẫu thuật lấy huyết khối động mạch chậu, đùi, khoeo chân trái, phẫu thuật cắt cụt đùi bên phải, điều trị rung nhĩ, suy tim, dùng thuốc kháng đông cho bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn, chân trái ấm, mạch rõ.
Bác sĩ Dương Văn Mười Một, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực mạch máu khuyến cáo người có bệnh lý rung nhĩ cần điều trị thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, không được tự ý ngưng thuốc.
Hành trình đỏ 2018 tiếp nhận hơn 42.000 đơn vị máu
Theo GiadinhNet, hành trình Đỏ 2018 đã tổ chức được 44 ngày hội hiến máu lớn và 56 ngày hiến máu hưởng ứng tại 26 tỉnh/ thành phố, thu hút hàng ngàn người dân đến tham gia và tiếp nhận được hơn 42.000 đơn vị máu.
Lượng máu tiếp nhận được không chỉ góp phần đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu, điều trị tại các địa phương trong dịp thiếu máu hè mà còn góp phần điều tiết máu trên phạm vi toàn quốc.