PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội xung quanh vấn đề này, khi mà kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố trong thời gian tới đây.
"Trượt thì học lại, củng cố lại, quyết tâm lại, làm lại từ đầu để chiến thắng"
PV: Thưa TS. Nguyễn Tùng Lâm, cứ sau mỗi đợt thi cam go, nhiều bậc phụ huynh lại thắc mắc tại sao gia đình thường xuyên quan tâm, chăm sóc đến con cái họ mà đôi khi ý nghĩ bỏ đi hoặc tự tử vẫn xuất hiện trong đầu con trẻ?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Trước hết đó là suy nghĩ chủ quan của phụ huynh. Phụ huynh có nghĩ đến việc mình đã quan tâm tới con đúng cách chưa, đã thấu hiểu con chưa. Theo tôi, muốn thấu hiểu con thì có nhiều cách nhưng ít nhất phải có mấy điểm cơ bản sau:
- Hiểu về cá tính, tính cách xem con thích gì, mong muốn gì từ cuộc sống sinh hoạt.
- Hiểu con mong muốn gì. Thường thì các ông bố bà mẹ hay áp đặt mong muốn của mình đến con cái chứ không quan tâm đến con mong muốn gì để lựa con và dẫn dắt con thực hiện mục tiêu mà cả con cái và cha mẹ mong muốn.
- Bố mẹ cần đồng hành và kết nối với con để tìm ra các cách giải quyết. Khi cha mẹ chưa hiểu con thì cần phải đi tìm đồng minh bằng cách chia sẻ với bạn bè, người thân, thầy cô giáo và bạn học của con để hiểu con.
Sau mỗi kỳ thi, cha mẹ cần tâm sự, chia sẻ bớt những khó khăn của con và sẵn sàng đồng hành với con để thực hiện mục tiêu mới.
PV: Đối với một số thí sinh, sau khi làm bài thi không tốt, nhiều em có những suy nghĩ tiêu cực và hành động dại dột. Để thoát khỏi trạng thái đó, các em cần phải làm gì, thưa TS?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tất cả mọi chuyện đều do học sinh quyết định; cha mẹ, nhà trường, thầy cô, bạn bè… chỉ là những người hỗ trợ. Các em cần hiểu cuộc sống của mỗi em phải tự mình giải quyết, không nên trông chờ vào ai.
Các nhà khoa học tính toán, mỗi một con người sinh ra, khả năng để làm người chỉ có 1/400.000 tỷ. Do vậy, các em phải nhận thức được rằng, khi được làm người thì phải cố gắng giữ lấy mạng sống của mình, phải coi mình là thứ quý giá nhất, mọi khó khăn đều có thể vượt qua được.
Điểm kém, thi trượt,… tất cả chỉ là những điều vụn vặt trong cuộc đời. Các em không thể hèn nhát, trốn tránh, chạy thoát thân mà lại không nghĩ cách để vươn lên trong cuộc sống trong điều kiện khó khăn nhất. Học hành mất cơ bản thì bắt đầu lại từ đầu. Trượt thì học lại, củng cố lại, quyết tâm lại, làm lại từ đầu để chiến thắng.
Hơn nữa, các em nên nhìn vào tấm gương của những người yếu thế, những người tàn tật không tay, không chân mà họ vẫn làm nên cuộc sống. Vậy tại sao bản thân mình khỏe mạnh, đầy đủ chân tay lại đầu hàng và nghĩ đến chuyện dại dột? Chưa kể, còn có rất nhiều ngã rẽ khác để phát triển tương lai mà không cần bằng cấp tùy thuộc vào tính toán, lựa chọn của từng gia đình.
Con người sống cần có hoài bão, có ước mơ và luôn cố gắng tìm cách để thực hiện hoài bão, ước mơ đó chứ không phải ngồi chờ mong nếu hoàn cảnh không đến thì lại coi như thất bại và có những suy nghĩ dại dột. Trượt cấp 3, trượt đại học không phải là thảm họa! Sau mỗi thất bại cần phải đứng lên. Các em hãy yên tâm rằng, bên cạnh các em sẽ luôn có sự giúp đỡ và chia sẻ từ cha mẹ, người thân, thầy cô và bạn bè.
Có nhiều con đường khác nhau để bước vào đời
PV: Kết quả của kỳ thi đại học sẽ công bố trong thời gian tới, trường hợp con thi trượt, cha mẹ cần làm gì để tránh những bi kịch?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Để tránh những kết cục bi thảm thì cha mẹ phải có một cái nhìn thoáng hơn và giúp cho con hiểu rằng, đại học không phải là con đường duy nhất. Các bậc phụ huynh cùng con tháo gỡ, vạch ra cho con nhiều con đường thuận lợi hơn khi không đỗ đại học. Con có thể bước vào đời bằng những con đường khác nhau như học nghề, học trung cấp, cao đẳng và sau đó học tiếp lên…
Cha mẹ cũng cần dạy con các kỹ năng sống để các em có khả năng đương đầu với những áp lực, biến cố trong cuộc sống. Chẳng hạn dạy con biết được vị trí của mình ở đâu để đặt ra mục tiêu cho phù hợp. Tránh áp đặt, yêu cầu quá cao cho con, bởi không ít những học sinh khá và giỏi vẫn sẽ trượt đại học.
Ngoài ra, hãy cho con hình dung ra được hậu quả khi con chán nản, mất phương hướng, hay tự tử đều ảnh hưởng suốt đời đến những người thân nhất… Đặc biệt, đối với các bậc sinh thành và dạy dỗ mình, con cần tỏ lòng biết ơn, đừng gây khổ đau cho họ mà làm những điều dại dột.
Vai trò của cha mẹ ở đây vô cùng quan trọng. Khi con thi trượt, cha mẹ đừng trách móc, đừng đòi hỏi con thêm gì nữa mà phải tâm sự, chia sẻ bớt những khó khăn của con và sẵn sàng đồng hành với con để thực hiện mục tiêu mới.
Trong khi chờ đợi kết quả sau mỗi kỳ thi, các em nên chọn các cách thư giãn như nghe nhạc, chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Thời điểm này, hãy thư giãn để có sức khỏe bước vào cuộc hành trình mới
PV: Cuối cùng thì kỳ thi quan trọng nhất sau chặng đường 12 năm đèn sách cũng đã kết thúc. Dù kết quả có ra sao thì giờ đây các em đã có thể thở phào nhẹ nhõm và chuẩn bị cho mình những hành trình tiếp theo. TS có thể cho các em một số lời khuyên để chọn được những cách thư giãn hiệu quả và hữu ích trong thời gian này?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Khi đã tập trung một giai đoạn ít hoạt động quá lâu thì sau khi thi xong tôi thường khuyên các em học sinh nên chọn các cách thư giãn như nghe nhạc, chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Với thư giãn bằng thể thao, các em có thể chơi một môn thể thao yêu thích như bơi lội, cầu lông, đá bóng, đi bộ, vận động tay chân, tập vài động tác yoga hay nhảy tự do theo nhạc… Sự vận động vừa phải của cơ bắp sẽ giúp các em giải phóng năng lượng tiêu cực và tạo nên tinh thần sảng khoái rất có lợi cho chặng đường mới sắp tới.
Đặc biệt, với giấc ngủ, trước kỳ thi tốt nghiệp, không ít thí sinh đã thức khuya dậy sớm để học bài, dẫn đến thiếu ngủ. Vì vậy, các em cần ngủ sớm, ngủ đủ giấc để có sức khỏe bước vào cuộc hành trình mới trong cuộc đời.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TS!