Bộ GD&ĐT vừa thông tin tới báo chí về nguyên nhân vì sao điểm chuẩn Đại học năm nay tăng "đột biến" khiến thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn trượt Đại học. Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định có ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, năm nay hơn 1,2 triệu học sinh đăng ký dự thi Tốt nghiệp THPT, tăng 11% so với 900.000 thí sinh của năm ngoái. Trong đó, gần 800.000 thí sinh đăng ký xét tuyển Đại học, tăng hơn 152.000, tương đương 24%. Việc tăng số lượng thí sinh xét tuyển Đại học trong nước có thể vì nhiều gia đình và bản thân các bạn thay đổi quyết định du học trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Trong khi số thí sinh xét tuyển tăng, chỉ tiêu tuyển sinh theo điểm thi Tốt nghiệp THPT của các đại học lại hầu như không thay đổi so với năm trước. Thí sinh không trúng tuyển ở các đại học tốp trên đổ về tốp giữa nên một số ngành tại nhóm trường này tăng vọt. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đây là lý do quan trọng nhất khiến điểm chuẩn tăng.
Nguyên nhân thứ hai là sự dịch chuyển trong xu hướng chọn ngành. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 265 ngành tăng điểm chuẩn từ 5 trở lên so với năm ngoái, trong đó nhóm Kỹ thuật - Công nghệ có 70 ngành, Sư phạm 64, Kinh doanh và Quản lý 42, Xã hội và Nhân văn 32, Pháp luật 10. Theo Thứ trưởng, điều này cho thấy bên cạnh việc chọn trường yêu thích, thí sinh dần có xu hướng chọn ngành cụ thể, khiến điểm chuẩn tăng cao nhưng chỉ tập trung tại một số nhóm.
Điểm thi tốt nghiệp THPT cao là lý do thứ ba tác động đến điểm chuẩn đại học. Năm nay, khi phân tích phổ điểm từng môn và tổ hợp môn, tiếng Anh tăng khá mạnh (điểm trung bình tiếng Anh tăng 1,26 điểm so với năm ngoái). Điều này khiến điểm chuẩn các tổ hợp chứa môn tiếng Anh tăng theo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng theo thống kê, số lượng thí sinh có tổng điểm 3 môn trên 27 chiếm dưới 5% - từ con số này không thể đưa ra nhận định là điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao. Chủ yếu là do thí sinh chỉ lựa chọn tập trung vào một số ngành, dẫn tới điểm chuẩn vọt lên.
Bên cạnh đó, có thể điểm thi tốt nghiệp THPT không thể đánh giá được năng lực chuyên biệt của thí sinh đối với yêu cầu từng ngành, từng trường khác nhau nhưng cũng có độ phân hóa tương đối tốt. Việc các trường tốp trên có điểm cao thể hiện sự phân hóa rõ nét giữa các trường, các ngành.
Về phương hướng tuyển sinh trong năm tới, thứ trưởng Sơn cho rằng, hiện nay các trường được tự chủ trong phương thức tuyển sinh. Đại diện Bộ GD&ĐT khuyên các trường nên phân tích dữ liệu thật kỹ, điểm đầu vào, quá trình học thế nào, để từ đó thấy được phương thức nào sẽ phù hợp với trường mình.
Trước thực tế nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học, Thứ trưởng Sơn đánh giá "rất đáng tiếc". Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường hợp tác liên kết để xây dựng phương án xét tuyển bổ sung vào phương thức xét tuyển kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Trong đó có việc xây dựng các kỳ thi, bài thi để thí sinh chỉ cần dự thi ít lần, tránh vất vả cho thí sinh.