Ở tuổi 33, cô Kelly Gregory (thành phố Hendersonville, Hoa Kỳ) bắt đầu có những cơn đau thắt ngực. Cô Kelly không hút thuốc, tập thể dục đều đặn, tình trạng sức khỏe tốt, không có lý do gì để cô nghĩ mình gặp phải vấn đề nghiêm trọng.
"Bác sĩ của tôi chẩn đoán đó là do cơn cẳng thẳng lo âu, kê thuốc, và chỉ thế thôi". Tuy nhiên Gregory có linh cảm mọi việc không chỉ đơn giản như vậy. Và đúng thế, chỉ một tháng sau, cô lên cơn đau tim.
Tình trạng tương tự xảy ra đến 5 lần nữa trong vòng 4 tháng tiếp theo cho đến khi bác sĩ đưa ra được kết luận: Gregory bị một đột biến gen gây gia tăng các cục máu đông.
Thật khó để biết chính xác cơn đau lúc nào là bình thường và lúc nào thì đáng lo ngại. Theo các chuyên gia y tế, nếu gặp phải những cơn đau sau đây, hãy hết sức thận trọng:
1. Đau ngực, vai, cánh tay và hàm
Cảm giác đau như bị đè ép hay siết chặt ở ngực là dấu hiệu điển hình của một cơn đau tim và thông thường, bạn sẽ bị đau hơn khi vận động. Tình trạng này thường liên quan đến chứng khó thở. Cơn đau tim có thể lan tới các vùng khác của cơ thể như:
- Vai
- Cánh tay
- Cổ
- Hàm
- Lưng
Tuy nhiên các triệu chứng có thể khác nhau giữa hai giới. Phụ nữ có thể cảm thấy mệt mỏi và khó thở. Đôi khi họ bị đổ mồ hôi nhưng lờ đi vì nghĩ rằng có thể mình chỉ đang lên cơn nóng bừng.
Tuy nhiên, hãy hết sức cảnh giác nếu đau ngực đi kèm với đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc khó tiêu mà vẫn không thuyên giảm khi bạn ngồi dậy, đây chính là dấu hiệu báo động bạn phải gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
2. Đau đầu dữ dội
Nếu bạn bị đau đầu như búa bổ và các loại thuốc giảm đau thông thường tỏ ra không có tác dụng, điều gì đang xảy ra?
Nhiều người nghĩ rằng đó là u não. Tuy nhiên, bạn có biết phần lớn não bộ không có các tận cùng thần kinh cảm giác. Do đó, đa số các cơn đau đầu thường bắt nguồn từ những nguyên nhân khác.
Tuy không phổ biến, nhưng đau đầu dữ dội còn có thể là dấu hiệu của đột quỵ hay huyết khối. Cần theo dõi thêm nếu có:
- Các triệu chứng khác như cứng cổ, sốt, yếu hay tê liệt
- Cảm giác đau chưa từng có
- Nôn
- Chóng mặt
Một số dấu hiệu khác cho thấy cơn đau đầu là bất thường:
- Tình trạng tệ hơn khi đứng dậy
- Cơn đau càng lúc càng dữ dội mà thuốc giảm đau thông thường không có hiệu quả
- Tiền sử gia đình có liên quan
Ngoài ra, nếu gặp phải một cơn đau đầu kinh khủng mà người ta ví là " đau đầu như sét đánh", bạn có thể đã bị phình mạch não. Trong trường hợp này, hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức để cứu lấy mạng sống của mình.
3. Đau cột sống thắt lưng
Bạn có tin không, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tim! Hãy khai với bác sĩ nếu ở bạn có các yếu tố nguy cơ khác như: cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao hay béo phì.
Thông thường, đau lưng bắt nguồn từ thoái hóa cơ lưng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, đó có thể là dấu hiệu của:
- Nhiễm trùng
- Khối u
- Thoát vị đĩa đệm
- Sỏi thận
4. Đau bụng
Nếu gặp phải các triệu chứng sau:
- Đau vùng bụng dưới bên phải
- Đau hơn sau khi bác sĩ ấn vào bụng
- Buồn nôn và nôn
Hãy thận trọng bởi rất có thể bạn đang bị viêm ruột thừa. Điều tiên quyết là hãy hành động càng sớm cảng tốt bởi nếu ruột thừa vỡ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do nhiễm trùng.
Ngoài ra, đau bụng còn có thể là dấu hiệu của:
- Vấn đề về tụy
- Tắc ruột
- Thai ngoài tử cung
5. Đau bắp chân
Nếu có một vùng ở bắp chân bị sưng, đỏ và đau, lý do có thể là huyết khối tĩnh mạch sâu, là tình trạng mà cục máu đông hiện diện trong một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể (ở đây là chân). Tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa nếu cục máu đông vỡ ra và di chuyển lên phổi.
Người ít vận động, trên 60 tuổi, có thai, béo phì, bị ung thư hay suy tĩnh mạch là những người có nguy cơ cao với tình trạng này.
6. Đau bàn tay và bàn chân
Đái tháo đường có thể gây ra những rối loạn làm tổn thương các dây thần kinh trong cơ thể, vị trí thường gặp nhất là ở bàn tay, cánh tay, bàn chân và cẳng chân. Mắc đái tháo đường càng lâu, nguy cơ dây thần kinh bị tổn thương càng cao.
Đau do bệnh thần kinh ngoại biên được mô tả là rất tê và đau nhói, thường xảy ra vào ban đêm và có thể gây mất cảm giác ở bàn tay và bàn chân. Nếu bị đái tháo đường, bệnh nhân thậm chícó thể không còn cảm giác đau ở ở hai chi do tê liệt.
Trong trường hợp bệnh trở nên trầm trọng hơn, bác sĩ có thể buộc phải chỉ định cắt bỏ vùng chi bị ảnh hưởng.
7. Đau mà không thể nhấc ngón tay lên
Những cơn đau dai dẳng không mất đi có thể là dấu hiệu của lo âu hay trầm cảm. Rối loạn cảm xúc có thể gây đau ở:
- Khớp
- Tay, chân
- Đầu
- Lưng