Nhiều người thường khó phân biệt được sự khác nhau giữa cơn đau tim và đột quỵ vì nghĩ rằng chúng giống nhau. Trên thực tế, đau tim và đột quỵ đều là căn bệnh hình thành do tắc nghẽn trong mạch máu nhưng chúng ảnh hưởng đến các chức năng khác nhau của cơ thể, triệu chứng cũng không giống nhau và phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, tuổi tác, sức khỏe và giới tính.
Sự khác nhau giữa đau tim và đột quỵ
Đau tim
Đau tim xảy ra khi thiếu lưu lượng máu trong động mạch vành. Nguyên nhân thường là do sự xuất hiện của các cục máu đông hình thành trong các động mạch vành, do đó ngăn chặn lưu lượng máu đến cơ tim, dẫn đến đau ngực và các triệu chứng đau tim khác. Các cơn đau tim có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho cơ tim, thậm chí gây tử vong.
Đột quỵ
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, xảy ra khi có sự hình thành các cục máu đông trong động mạch cung cấp máu cho não. Điều này khiến cho các mô não bị thiếu oxy, dẫn đến các tổn thương, thậm chí giết chết mô não. Một trong những di chứng nghiêm trọng đột quỵ để lại là chứng liệt nửa người.
Đột quỵ có 3 dạng bao gồm chảy máu trong não (đột quỵ xuất huyết), đột quỵ do cục máu đông (đột quỵ thiếu máu cục bộ) và thiếu máu não thoáng qua.
Phân biệt cơn đau tim và đột quỵ?
Người bị đau tim sẽ xuất hiện các triệu chứng phổ biến như đau ngực, buồn nôn hoặc nôn, đổ mồ hôi, khó thở, cơn đau có thể di chuyển đến vai, cánh tay, lưng, bụng hoặc răng, thậm chí ngất xỉu. Cơ thể cảm thấy khó khăn khi nói, mắt mờ dần, mất ý thức, tê hoặc liệt nửa người, đau đầu,... thì đây là những triệu chứng đột quỵ.
Khi nhận thấy người thân có dấu hiệu lên cơn đau tim thì nên cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu có tình trạng nôn ói thì nên tìm cách móc hết đờm nhớt cho dễ thở.
Không tự ý cho người bệnh uống hoặc nhỏ bất kỳ loại thuốc nào để hạ huyết áp mà nên đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Với bệnh đột quỵ, 3 giờ đầu tiên được xem là “giờ vàng” trong chữa trị, do đó người thân cần phải đưa người bệnh đến bệnh viện sớm nhất có thể. Cứ mỗi phút người bệnh bị đột quỵ nếu không được chữa trị đúng cách thì sẽ mất đi 2 triệu noron thần kinh. Vì vậy, khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nên gọi ngay xe cấp cứu và giữ thông thoáng để đủ không khí cho người bệnh thở.
Làm sao ngăn ngừa đau tim, đột quỵ
Theo Boldsky, tuy đau tim và đột quỵ có ảnh hưởng và triệu chứng khác nhau nhưng cả hai đều có chung các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm hút thuốc, di truyền, béo phì, tiểu đường, nồng độ cholesterol cao, tăng huyết áp, căng thẳng, lười vận động.
Do vậy, để ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ hiệu quả, bạn nên duy trì thói quen kiểm tra mức cholesterol, lượng đường trong máu và huyết áp thường xuyên. Tránh hút thuốc và sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê…
Kiểm soát tốt cân nặng cơ thể bằng các bài tập có cường độ vừa phải, phù hợp lứa tuổi kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.