Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, UTG nguy hiểm thứ 3 trong số những bệnh ung thư thường gặp. Tuy nhiên, những dấu hiệu của bệnh thầm lặng và khó phát hiện nên người bệnh thường chủ quan, khi đến bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Dưới đây là những yếu tố nguy cơ của bệnh này mà bạn cần lưu ý.
Viêm gan C: Nếu mắc viêm gan C, rất có thể phát triển UTG sau 10 năm chẩn đoán bệnh. Vì thế, người mắc viêm gan C nên tầm soát ung thư định kỳ để phòng bệnh hoặc xử lý kịp thời những bất thường.
Viêm gan B: Nếu từng mắc viêm gan B hoặc không tiêm phòng viêm gan B, nguy cơ UTG cũng cao hơn người khác. Với những trường hợp này nên theo dõi sát sao, thực hiện siêu âm ổ bụng 1 lần/năm để sàng lọc ung thư. Trong đó, xét nghiệm lượng anpha-fetoprotein cũng là cách tầm soát UTG hiệu quả.
Lạm dụng rượu, bia: Uống nhiều bia, rượu được cho là thói quen gây hại nhất cho cơ thể. Những chất độc trong chất gây nghiện này có thể âm thầm tàn phá tế bào gan, để lại hậu quả nặng nề, dễ dẫn đến viêm, xơ gan và UTG.
Béo phì: Những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Trong đó, tỷ lệ UTG liên quan đến béo phì và đái tháo đường ngày càng tăng nhanh trong những năm qua. Nếu bạn thừa cân thì càng nên chú ý đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát UTG.
Đau bụng bất thường: Những cơn đau bụng vùng hạ vị, tức vùng bụng phía trên hoặc bên phải, có thể là do UTG gây ra. Tuy nhiên, nếu đau ở vị trí này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh khác như viêm gan... Vì thế, nếu thấy đau, tốt nhất nên đi kiểm tra sớm để tìm rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Vàng mắt, vàng da: Một trong số những dấu hiệu của UTG là vàng mắt, vàng da. Khi những triệu chứng này xuất hiện kèm thêm những biểu hiện ngứa thì rất có thể, gan bạn bị yếu, thậm chí bị UTG.
Giảm cân bất thường: Nếu không có chế độ ăn kiêng mà cơ thể bạn vẫn giảm cân không rõ nguyên nhân thì nên thăm khám để biết tình trạng sức khỏe hiện tại của mình. Giảm cân bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư, trong đó UTG.
Chán ăn, nhanh no: Khi tăng tiết dịch ổ bụng, bạn có thể cảm thấy nhanh no và tế bào UTG phát triển cũng khiến bạn dễ cảm thấy chán ăn. Nếu trong trường hợp này, bạn cũng nên đi khám sớm.
Hiện nay, tại nhiều bệnh viện chuyên khoa đã triển khai gói tầm soát UTG, giúp bạn phát hiện sớm bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Ngoài ra, người dân cũng có thể đi xét nghiệm máu để phát hiện các chỉ dấu cảnh báo UTG. TS Trần Văn Thuấn cho rằng, mọi người, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, nên thực hiện khám tầm soát UTG từ 6 đến 12 tháng/lần để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.
UTG nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi. Nếu được phẫu thuật khi kích thước khối u dưới 3cm, gan chỉ mới bị xơ thì khả năng sống thêm sau 5 năm lên đến 80%-90%. Tỷ lệ trên sẽ giảm còn 60% nếu khối u từ 3 đến 6cm, và chỉ còn 10%-15% nếu khối u lớn hơn 6cm.
Trường hợp khối u lớn hơn 10cm thì cơ hội kéo dài sự sống rất thấp, nhất là khi bệnh nhân đã bị vàng da, vàng mắt. Sau 5 năm điều trị ung thư, nếu bệnh nhân vẫn sống và khối u không phát triển lại thì được coi là khỏi bệnh.