Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một dạng bệnh lý về tâm thần rất khó điều trị đặc biệt là vào giai đoạn bệnh diễn biến xấu. Hiện nay, bệnh trầm cảm đang mỗi ngày một phổ biến và số lượng ngày càng tăng lên. Theo WHO, có đến hơn 300 triệu người mắc chứng trầm cảm trên thế giới và số lượng này còn tăng lên mỗi ngày. Tuy nhiên, rất nhiều người bệnh không phát hiện kịp thời dấu hiệu bệnh trầm cảm hay điều trị đúng cách, đặc biệt là ở nam giới.
Bệnh trầm cảm ở mức độ nhẹ có thể khiến tinh thần suy sụp và bào mòn thể chất. Căn bệnh này ở mức độ nặng hơn có thể dẫn đến tử vong và gây vô số hệ lụy cho gia đình bệnh nhân và xã hội.
Dấu hiệu bệnh trầm cảm
Theo phân tích của các nhà tâm lý học, những dấu hiệu của trầm cảm thường có ở hành động, cảm xúc, suy nghĩ, thể chất. Nếu gặp phải những triệu chứng sau đây thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm của bạn rất cao.
Về hành động biểu hiện:
– Ngại đi ra ngoài, không muốn làm việc;
– Ngại giao tiếp và không muốn mở lòng trước bạn bè và gia đình,;
– Liên tục sử dụng rượu và thuốc an thần để ổn định tâm lý hơn.
– Không đủ tập trung và không kiểm soát được hành vi.
– Ít tham gia những hoạt động hằng ngày;
Người trầm cảm sống khép kín, thích sự im lặng và hay thu mình trong góc. Họ không còn nhiều hứng thú với cuộc sống và công việc nên hành động chậm chạp hơn. Trông họ lúc nào cũng rất cô độc, buồn chán. Đối với người mắc bệnh, họ không còn xem trọng việc kiểm soát tâm trạng, muốn để mặc cảm xúc cuốn đi. Khi đưa ra quyết định và xử lý tình huống họ chậm chạp, do dự rất nhiều.
Về cảm xúc:
– Luôn cảm thấy không đủ sức để chịu đựng mọi thứ;
– Có cảm giác mình mắc tội lỗi nhưng không xác định được nguyên nhân;
– Dễ bực bội, cáu gắt;
– Cảm giác bi quan, tự ti và không thấy hài lòng với những việc đang xảy ra;
– Chìm đắm trong đau khổ và không bao giờ có cảm giác vui
Dấu hiệu bệnh trầm cảm rõ nhất đó là cảm thấy buồn chán về bản thân, gia đình, xã hội và không còn niềm tin vào tương lai.
Bệnh nhân thường sống trong tưởng tượng với những kết cục xấu nhất có thể. Điều này khiến người bệnh nhìn mọi việc xấu đi thái quá và có tâm lý bất an, căng thẳng tột độ, xúc động mạnh.
Về suy nghĩ:
Trong tâm trí của người bệnh luôn thường trực những suy nghĩ sau:
– "Tôi sẽ không thể làm được bất cứ chuyện gì", "Tôi là người thất bại", "Tôi thật thảm hại".
– "Mọi tội lỗi là tại tôi", "Do tôi làm sai mới dẫn đến những điều tồi tệ".
– "Mọi chuyện tồi tệ luôn xảy ra với tôi", "Cuộc sống thật buồn tẻ và chẳng đáng sống nữa".
– "Tôi thật vô dụng" , "Không có tôi thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”.
Trong hầu hết những ca trầm cảm, hầu hết người bệnh đều có suy nghĩ tự ti và bi quan. Điều này gây ảnh hưởng trầm trọng tới những ca bệnh. Trong thế giới của người bệnh, mọi thứ thật u ám và với họ mọi sai lầm đều xuất phát từ bản thân dù không phải và họ sẽ tự giam mình vào thế giới riêng từ ngày này qua tháng nọ.
Dấu hiệu trầm cảm nhẹ của bệnh nhân đó là hành động tiêu cực, sống trong dằn vặt, tự đưa ra hình phạt và hành xác bản thân. Tuy nhiên, điều này càng kéo dài theo thời gian sẽ rất nguy hiểm bởi họ bị ám ảnh bởi ý định tự sát như một sự giải thoát.
Về thể chất:
– Cơ thể luôn thấy nhức đầu, mệt mỏi, tức ngực, khó thở, đau cơ, rối loạn tiêu hóa;
– Khó ngủ, bồn chồn, lo lắng, hồi hộp, tinh thần không ổn định;
– Không thể kiểm soát được thói quen ăn uống, chán ăn hoặc thèm ăn không ổn định;
– Giảm hoặc tăng cân nặng bất thường.
Suy kiệt thể chất là dấu hiệu trầm cảm nặng của người bệnh. Bắt đầu với việc cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống, khó đi vào giấc ngủ, thao thức suốt đêm. Hoặc đôi khi cũng có trường hợp ngược lại là ngủ rất nhiều. Nó có thể gây ra những triệu chứng như mất cảm giác trong việc ăn uống, dẫn đến chán ăn hoặc ăn liên tục không thể ngừng, gây đau đớn thể chất.
Ở chị em phụ nữ, dấu hiệu trầm cảm sau sinh bao gồm các dấu hiệu trầm cảm kể trên kèm theo: Khóc mọi lúc, cáu kỉnh hay tức giận, lo lắng quá nhiều cho con, không dành nhiều sự quan tâm đến hoặc không có khả năng chăm sóc cho con, mệt mỏi đến mức không nhấc chân ra khỏi giường trong nhiều giờ.
Một số ít trường hợp phụ nữ trầm cảm sau sinh bị ảo tưởng hoặc ảo giác và có thể gây hại cho con họ. Đây là một vấn đề sức khỏe khẩn cấp và bạn cần kịp thời gặp bác sĩ để có cách chữa bệnh phù hợp.
Để điều trị bệnh, hầu hết mọi người có thể áp dụng cách điều trị tâm lý hoặc dùng thuốc. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy kết hợp cả hai là con đường là cách tốt nhất để thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
Trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Căn bệnh này được xem là "kẻ giết người" thứ bảy phổ biến nhất của đàn ông. Tự sát là điều xảy ra sau thời gian dài bệnh nhân phải vật lộn với một dạng trầm cảm nào đó. Nắm được dấu hiệu bệnh trầm cảm và cách điều trị là cách để phục hồi kịp thời và hạn chế những điều đáng tiếc không nên xảy ra.