Theo báo cáo kết quả điều tra ca bệnh Whitmore tại thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn của Trung tâm y tế Sóc Sơn, bệnh nhi T.C.V, sinh năm 2014 mắc bệnh vào cuối tháng 10/2019, nhập viện Nhi Trung ương điều trị vào ngày 28/10. Bé tử vong ngày 31/10/2019 tại bệnh viện.
Ông nội bệnh nhân cho biết, trước khi vào viện một ngày, bệnh nhi có biểu hiện sốt 38.5 độ C kèm đau bụng. Sau khi điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương được ba ngày, bé đã tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh nhân được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10/2017 đến ngày 01/11/2019 có kết quả nuôi cấy dương tính loại vi sinh vật Burkholderiapseudomallei gây bệnh Whitmore. Tiền sử bé trai khỏe mạnh, không mắc các bệnh mãn tính.
Bệnh nhân tiếp theo là bé T.Q.H (em trai), sinh năm 2018. Bé cũng được điều trị tích cực tại bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, sau đo bệnh nhân này đã tử vong.
Cháu H. được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương tuy nhiên đã không qua khỏi.
Chị gái ruột của bé là T.Q.T, sinh năm 2012, đang là học sinh lớp 1. Bé T. đã tử vong tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Cách đây nửa năm, bé bị sốt ngày 6/4 và gia đình tự mua thuốc điều trị. Đến chiều tối 8/4, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn.
Tình trạng bé ngày càng nặng lên và 2h sáng 9/4, bé được chuyển đến khoa Cấp cứu của Bệnh viện Xanh Pôn. Tại đây bé T. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột và tử vong lúc 7h cùng ngày.
Chỉ trong vòng 8 tháng, gia đình mất liền 3 cháu, đều đi bệnh viện mà không trở về, đều có những biểu hiện giống nhau.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Sóc Sơn, địa phương cũng đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nghi mắc bệnh tương tự. Gia đình cháu bé có tổng cộng 7 người gồm 4 người lớn (bố, mẹ, ông bà nội) và 3 trẻ em. Người lớn trong nhà không có biểu hiện nghi mắc bệnh Whitmore.
Liên quan đến sự việc, sáng 18/11, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Sau khi phát hiện 2 trường hợp cùng trong một gia đình tử vong vì bệnh whitmore, chúng tôi đã báo cho cơ quan dịch tễ Hà Nội để tìm hiểu, điều tra. Trước mắt, chúng tôi chỉ khuyến cáo bệnh Whitmore không lây lan thành dịch mà khu trú trong một môi trường cố định, vi khuẩn sống trong bùn, đất, nước. Do đó, để phòng tránh dịch bệnh, người dân cần rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, dùng nước sạch”.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei.
Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da.
Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao. Vi khuẩn B. pseudomallei khi vào cơ thể có sẽ thâm nhập vào các bộ phận của cơ thể, thường gặp là ở phổi. Bên cạnh đó là các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da các tuyến tiêu hóa…