Nội dung bài viết:
- Nên bắt đầu đánh răng cho trẻ lúc nào?
- Cần chuẩn bị gì để vệ sinh răng cho bé?
- Cách đánh răng cho trẻ là như thế nào?
- Phải làm gì khi bé không thích đánh răng?
- Ba mẹ nên chải răng cho bé mấy lần mỗi ngày?
- Có nên vệ sinh nướu răng trước khi trẻ mọc răng?
- Tại sao bé bị chảy máu khi đánh răng?
- Khi nào nên đưa bé đến nha sĩ?
- Có nên đánh răng cho bé sau khi bú sữa?
- Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có bị sâu răng?
- Một số thực phẩm gây sâu răng cho bé là gì?
- Có thể sử dụng dầu dừa để đánh răng cho bé hay không?
- Tại sao nên sử dụng kem đánh răng có fluor cho bé?
- Làm cách nào để bảo vệ răng bé khỏi sâu răng?
Nên bắt đầu đánh răng cho trẻ lúc nào?
Các bác sĩ nhi khuyên cha mẹ nên đánh răng cho bé ngay lập tức khi những cây răng đầu tiên xuất hiện. Vị trí mọc đầu tiên là răng cửa hàm dưới, thường mọc vào khoảng tháng thứ 6.
Cần chuẩn bị gì để vệ sinh răng cho bé?
Ba mẹ bé sẽ cần những thứ sau đây để đánh răng cho bé:
- Bàn chải đánh răng lông mềm: Bàn chải này được thiết kế riêng cho đối tượng là trẻ sơ sinh, phần đầu nhỏ với vài hàng lông mềm là lý tưởng nhất cho một vài cây răng mới xuất hiện.
- Kem đánh răng có fluor: Cha mẹ bé có thể sử dụng bất kỳ loại kem đánh răng nào có fluoride. Nên ưu tiên những loại kem dành cho trẻ sơ sinh và không có mùi quá nồng.
Tránh dùng ngón tay để thay thế cho bàn chải đánh răng. Vì ngón tay sẽ không chạm tới được tất cả các phần trong miệng bé và tất nhiên sẽ không tốt bằng bàn chải đánh răng cho trẻ sơ sinh.
Bên cạnh bàn chải phù hợp, ba mẹ sẽ cần làm đúng phương pháp đánh răng để tránh làm tổn thương bé.
Cách đánh răng cho trẻ là như thế nào?
Dưới đây là cách bạn nên áp dụng để đánh răng cho bé:
Ngồi trên ghế hoặc giường với phần đầu của bé ôm trong lòng của ba mẹ. Nên chọn nơi có ánh sáng đầy đủ để bạn có thể dễ dàng nhìn thấy bên trong miệng bé.
Dùng một khăn sạch, mềm nhúng vào nước. Sau đó chà lên răng và nướu của em bé. Điều này sẽ làm ẩm nướu cũng như làm sạch các mảnh vụn thức ăn. Ngoài ra, có thể sử dụng loại khăn nha khoa thay cho khăn bình thường.
Thoa ít kem đánh răng (cỡ hạt gạo) lên bàn chải đánh răng và nhẹ nhàng chải răng và nướu bé trong 1 phút. Vi khuẩn có thể ẩn nấp trong nướu, do đó điều quan trọng là phải làm sạch được chúng.
Sau khi đánh răng, làm sạch lưỡi nhẹ nhàng, không dùng quá nhiều lực. Một lớp dịch như sữa ở trên lưỡi sẽ được làm sạch và giúp ngăn ngừa vi khuẩn trú ngụ.
Rửa bàn chải đánh răng sạch sẽ và phơi khô, tốt nhất là dưới ánh nắng mặt trời. Ba mẹ có thể không cần súc miệng bé lại bằng nước vì lượng kem đánh răng không nhiều.
Ban đầu bé có thể không thoải mái khi đánh răng, nhưng từ từ bé sẽ quen với việc này. Ngoài ra, đánh răng có thể kích thích nướu để giúp bé mọc răng. Tuy nhiên, một vài bé sẽ không ưa thích việc đánh răng.
Phải làm gì khi bé không thích đánh răng?
Nếu trẻ không đánh răng, cha mẹ có thể sử dụng các cách sau để cải thiện việc này.
Đánh lạc hướng: Nếu trẻ di chuyển liên tục trong khi đánh răng, bạn có thể cho bé cầm một món đồ chơi để bé đứng yên. Khi đó bé sẽ ổn định tại chỗ trong 1 phút đủ để bạn đánh răng xong.
Nói chuyện hoặc hát: Nhìn vào mắt bé và nói chuyện hoặc hát với bé trong khi đánh răng. Điều này sẽ giúp bé giữ thẳng đầu.
Hãy để bé tự khám phá bàn chải đánh răng: Để bé cầm bàn chải đánh răng và làm quen với nó. Khi bé đã tập trung chú ý vào việc này, ba mẹ có thể bắt đầu đánh răng cho bé.
Hướng dẫn bé tự đánh răng: Ba mẹ có thể đánh răng cho trẻ quan sát và nhận ra rằng việc này an toàn và không gây tổn thương. Phương pháp này chỉ hiệu quả với những trẻ lớn, bắt đầu biết quan sát và bắt chước ba mẹ và có thể giao tiếp được một chút. Một khi bé đã quen với việc đánh răng, bé sẽ bớt quấy khóc và không kháng cự nữa.
Ba mẹ nên chải răng cho bé mấy lần mỗi ngày?
Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên đánh răng 2 lần một ngày cho trẻ em dưới 3 tuổi. Thời điểm đánh răng cho bé là 1 lần vào buổi sáng và 1 lần vào buổi tối.
Có nên vệ sinh nướu răng trước khi trẻ mọc răng?
Các bác sĩ nhi khoa khuyến nghị ba mẹ nên vệ sinh nướu của trẻ sau khi sinh một vài ngày. Sử dụng một miếng gạc ướt, khăn sạch mềm hoặc loại khăn lau răng cho trẻ sơ sinh để làm sạch nướu 2 lần một ngày. Sau khi bé mọc răng, ba mẹ sẽ bắt đầu đánh răng cho bé.
Tại sao bé bị chảy máu khi đánh răng?
Chảy máu trong khi đánh răng là một dấu hiệu của nhiễm trùng nướu. Ngoài ra, nướu sẽ có các triệu chứng của nhiễm trùng khác như viêm và đau. Việc đánh răng thường xuyên sẽ giúp giảm bớt tình trạng này. Nếu không thấy giảm sau vài ngày, bạn nên đưa trẻ đến nha sĩ.
Khi nào nên đưa bé đến nha sĩ?
Tốt nhất là nên đưa bé đến nha sĩ ngay sau khi xuất hiện chiếc răng đầu tiên. Bạn không nên đợi đến khi bé lớn mới kiểm tra nha khoa, việc này tốt nhất nên được thực hiện bởi nha sĩ nhi khoa.
Có nên đánh răng cho bé sau khi bú sữa?
Không cần thiết phải đánh răng cho bé sau mỗi lần bú. Đánh răng 2 lần một ngày là đủ để giữ cho răng khỏe mạnh và bảo vệ nướu khỏi các vấn đề răng miệng.
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có bị sâu răng?
Trẻ chỉ bú sữa mẹ vẫn có thể bị sâu răng hoặc xuất hiện các vấn đề về nướu do nhiễm trùng. Vì vậy, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên chăm sóc răng nướu cho bé bất kể trẻ ăn hay uống cái gì.
Một số thực phẩm gây sâu răng cho bé là gì?
Một số thực phẩm có nhiều đường như nước ép trái cây, soda và sữa có thể gây sâu răng ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, để bình sữa trong miệng bé liên tục trong nhiều giờ cũng có thể gây sâu răng.
Có thể sử dụng dầu dừa để đánh răng cho bé hay không?
Câu trả lời là không. Cách tốt nhất vẫn là sử dụng kem đánh răng đạt tiêu chuẩn. Các chuyên gia y tế cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy dầu dừa tốt cho răng bé. Kem đánh răng có fluor là lựa chọn an toàn nhất.
Tại sao nên sử dụng kem đánh răng có fluor cho bé?
Fluor giúp củng cố men răng và chống lại tình trạng sâu răng. Răng sữa dù chỉ là tạm thời nhưng chúng vẫn cần fluoride để bảo vệ không bị sâu răng. Ngoài ra, một hàm răng sữa khỏe mạnh sẽ giúp cho răng vĩnh viễn khỏe mạnh.
Làm cách nào để bảo vệ răng bé khỏi sâu răng?
Sau đây là một số lời khuyên để ngăn ngừa sâu răng ở trẻ sơ sinh:
Không để bé ngủ hoặc ngậm một bình sữa trong thời gian dài. Sữa còn lại bên trong bình sẽ là môi trường lí tưởng gây nhiễm trùng nướu và răng. Đây được gọi là sâu răng khi bú hoặc sâu răng do cho con bú.
Không cho trẻ sử dụng thức uống nhiều đường như nước ép trái cây và soda. Chúng không được khuyến cáo dùng cho trẻ sơ sinh vì có thể gây ra các vấn đề sức khỏe.
Không nhúng núm vú giả vào dung dịch đường trước khi đưa cho em bé. Nó có thể gây ra các vấn đề về răng miệng.
Sử dụng nước có fluor có thể giúp bảo vệ răng khỏi sâu. Nước máy sinh hoạt thường có chứa fluor ở một mức độ rất nhỏ.
Đánh răng thường xuyên và kiểm tra răng miệng là việc cần thiết để đảm bảo răng bé luôn khỏe mạnh. Bên cạnh đó chăm sóc nướu và răng cũng rất quan trọng. Nên thực hiện các biện pháp trên để giữ cho miệng bé luôn sạch sẽ và khỏe mạnh. Kết quả cuối cùng bé sẽ có một nụ cười đáng yêu và lấp lánh.