Bé trai gào khóc, sợ hãi khi bị đẩy thẳng xuống bể bơi
Mới đây, rất nhiều cư dân mạng đã chia sẻ những đoạn clip ghi lại các buổi học bơi của một em bé còn khá nhỏ tuổi. Trong những đoạn clip này, em bé được học bơi cùng thầy giáo và mẹ. Khi mẹ gọi bé xuống bể bơi thì bé khóc rất lớn, sau đó thầy giáo đã đẩy em bé xuống bể. Ngay lập tức em bé này bơi dưới nước với tư thế bơi ngửa, cố gắng thở, liên tục vùng vẫy để nổi trên mặt nước và cố gắng kêu gào khi có thể đồng thời tìm về hướng mẹ đang đứng.
Thầy giáo dạy bơi tiếp tục hướng dẫn người mẹ lật em bé úp xuống và đẩy bé xuống sâu dưới đáy bể. Người mẹ làm theo hướng dẫn của thầy giáo, sau khi bị dìm sâu xuống nước, em bé này lại đạp chân và vài giây sau lại nổi được trên mặt nước song miệng cũng không ngừng gào khóc. Thầy giáo còn yêu cầu người mẹ đứng xa bé ra.
Đoạn clip em bé bị đẩy xuống bể bơi để tập bơi khiến nhiều người phẫn nộ.
Trong một đoạn clip khác, thầy giáo đẩy thẳng em bé xuống bể bơi còn mẹ đứng trên bờ để cổ vũ cho con. Cậu bé vẫn đạp chân liên tục để bơi song miệng vẫn không ngừng gào thét.
Những đoạn clip này đã ngay lập tức khiến cư dân mạng phẫn nộ, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Số đông cho rằng đây là một phương pháp dạy bơi đáng sợ, tàn nhẫn, là hành động ép buộc bé phải học bơi chứ hoàn toàn không tôn trọng mong muốn của trẻ. Việc em bé gào khóc được cho là do bé sợ hãi, không muốn xuống bể bơi. Cũng có những người đánh giá người mẹ của em bé này vô tâm khi chứng kiến con sợ hãi, liên tục tìm mẹ để cầu cứu nhưng mẹ không hề có phản ứng gì.
Ngoài ra, nhiều người lo ngại cho vấn đề sức khoẻ của em bé bởi khi bé vừa khóc vừa bị đẩy xuống nước như thế sẽ rất dễ bị sặc nước, thậm chí còn có khả năng gặp phải tình trạng chết đuối trên cạn.
Trong một đoạn clip khác, thầy giáo đẩy em bé xuống bể bơi một mình còn thầy và mẹ đứng trên bờ hướng dẫn và cổ vũ bé.
Thầy giáo dạy bơi nói gì về clip đang gây phẫn nộ?
Chúng tôi đã liên hệ với anh Trương Thanh Tùng là thầy giáo dạy bơi trong đoạn clip được chia sẻ trên mạng để tìm hiểu rõ hơn về phương pháp dạy bơi của anh.
Anh Tùng cho biết anh có bằng Cử nhân Y học của trường Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội và đã dạy bơi được khoảng 5-6 năm. Anh cũng là người sáng lập ra Trung tâm dạy bơi Le Ping, chuyên dạy bơi cho trẻ từ 0-5 tuổi được 2 năm nay.
"Phương pháp dạy bơi của mình có tên là "Phương pháp giáo dục đặc thù từng cá nhân". Phương pháp này do mình tự nghiên cứu từ sách nước ngoài. Sau đó mình học thêm và soạn giáo án của riêng mình" - thầy giáo tiết lộ.
Nói về đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội, anh Tùng chia sẻ: "Cậu học sinh này tên Tin (lúc học bơi là bé 16 tháng, hiện đã 25 tháng tuổi) và đó là buổi học thứ 7 của Tin chứ không phải buổi đầu tiên như nhiều người lầm tưởng. Khi các bé bắt đầu vào học sẽ được hướng dẫn các kỹ năng như: Làm quen, lặn, đạp chân, nín thở, nổi người trong nước, phản xạ, biết cách ngã xuống nước an toàn... Khi đã thành thạo các kỹ năng này thì bé mới được xuống nước để thực hành. Và trong những đoạn clip này là bé Tin đang học bài cuối cùng: "Mô phỏng ngã từ trên cao xuống nước".
Về phản ứng gào khóc của Tin, anh Tùng giải thích: "Mình có nghiên cứu giáo án cấp độ 3 đó là Sinh trắc vân tay. Ở đây, mình tạm chia ra làm hai dạng là "Phản ứng" và "Cảm xúc". Đối với những bé thuộc dòng "Cảm xúc", khi xuống nước bé sẽ chỉ mếu máo thôi. Với những bé này, thầy cô chỉ cần hát, đọc truyện cho các con nghe là có thể trấn an các con. Những bé thuộc dòng này thường biết bơi rất nhanh.
Còn các bé thuộc dòng "Phản ứng" như bé Tin thì thường gào thét, chân tay đập liên hồi. 16 tháng tuổi Tin mới đi học bơi nên phản ứng rất rõ ràng. Đó là những phản ứng tự nhiên, não bộ của các bé như vậy nên sinh ra những phản ứng phản kháng như vậy. Với các bạn dòng "Phản ứng" như thế này, nếu có bố mẹ ở bên mà thể hiện các hành động tình cảm là các bé càng phản ứng dữ dội.
Vì vậy giáo viên và phụ huynh của bé phải lờ đi những phản ứng của bé và không được phản ứng lại thì bé sẽ biết bơi. Các bậc phụ huynh có con thuộc dòng "Phản ứng" đều rất điềm tĩnh và họ không hề phản ứng lại hay tiếp nhận những phản ứng của con mình vì họ biết con mình như nào và phải giáo dục thế nào là tốt nhất cho con. Chứ không phải là họ vô cảm như nhiều người đang mắng mỏ". Anh cũng cung cấp thêm một số đoạn clip khác của Tin. Sau một vài buổi học nữa thì tâm lý của Tin đã thay đổi, thích thú và tự tin hơn. Bé vui vẻ, hào hứng tập bơi cùng mẹ chứ không còn sợ hãi, gào khóc nữa.
Còn về vấn về sức khoẻ của trẻ khi học bơi theo phương pháp này, anh Tùng nói: "Mặc dù chết đuối cạn là rất hiếm gặp nhưng trung tâm luôn ý thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khoẻ cho các bé.
Khi bắt đầu học các bé đã được học cách nín thở để không bị sặc nước. Sau mỗi buổi học trẻ sẽ được giữ lại tại trung tâm 30 phút để kiểm tra y tế. Khi trẻ không có các triệu chứng của chết đuối cạn và khỏe mạnh trở lại thì được phụ huynh đưa về.
Sau khi về phụ huynh được hướng dẫn phải để ý xem con có bị buồn nôn, mệt mỏi, có ăn uống bình thường không? Môi của trẻ có tím tai do thiếu oxi hay lồng ngực của trẻ khi thở có gặp khó khăn không? Nếu bé gặp phải tình trạng này thì cần đưa ngay bé đến bệnh viện. Điều này cũng được trung tâm hướng dẫn kỹ càng cho phụ huynh".
Tuy nhiên đây mới chỉ là thông tin từ phía anh Tùng, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các thầy cô giáo dạy bơi cho trẻ và bác sĩ Nhi khoa để có thông tin đa chiều hơn.