30 phút giành lại sự sống
Thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, đơn vị này đã cứu sống nam bệnh nhân đột ngột ngưng tim khi đến khám bệnh.
Bệnh nhân là ông Nguyễn T. (71 tuổi). Buổi sáng cùng ngày, khi đang chơi với cháu, ông T. bỗng nhiên ngất rồi tỉnh lại, kèm theo dấu hiệu đau sau xương ức, khó thở. Vài giờ sau, vẫn có cảm giác đau ngực và khó thở nên ông đến bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thăm khám. Khi vừa đến sảnh bệnh viện, ông T. đột ngột ngã và bất tỉnh.
Tại bệnh viện, ê kíp bác sĩ đã kịp thời triển khai Code Blue (mô hình cấp cứu nội viện) và phối hợp Code STEMI (mô hình can thiệp cấp cứu Nhồi máu cơ tim cấp) để cấp cứu cho bệnh nhân. Lúc này,ông T. trong tình trạng ngưng tim ngưng thở hoàn toàn và có nguy cơ chết não nếu không được cấp cứu kịp thời trong vòng 4 phút.
Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi theo đúng quy trình. Trong quá trình hồi sức, ê kíp đã tiến hành sốc điện tái lập nhịp tim cho ông T. khi màn hình theo dõi ghi nhận có tình trạng rung thất đe dọa tính mạng. Sau 2 phút căng thẳng, bệnh nhân đã được tái lập nhịp tim.
Đội Code Blue nhanh chóng xác định nguyên nhân gây nên tình trạng của bệnh nhân là nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng thông tim theo quy trình Code STEMI để chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu sau khi được sự đồng ý nhanh chóng của người nhà.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy, tắc cấp hoàn toàn đoạn giữa nhánh liên thất trước (LAD). Ê kíp đã nhanh chóng hút cục máu đông và đặt một stent phủ thuốc vào nhánh động mạch gây tắc hoàn toàn.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân (Khoa Tim mạch – Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết: “Rung thất trên bệnh nhân T. là biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm nhất trong nhồi máu cơ tim cấp, có thể dẫn đến tử vong ngay lập tức nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc tiếp cận và xử lý nhanh chóng trong vòng dưới 60 phút – trong thời gian vàng đối với người bệnh nhồi máu cơ tim của 2 ê kíp đã giúp bệnh nhân tránh được tử vong. Hiện tại sức khỏe của người bệnh phục hồi tốt.”
Được biết, Code STEMI là mô hình tiếp cận và can thiệp người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp một cách nhanh chóng. Mục đích nhằm rút ngắn thời gian tổn thương cơ tim, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và các biến chứng về sau.
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim như thế nào?
Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm. Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng.
Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 2,5 triệu người chết do nhồi máu cơ tim và 25% bệnh nhân nhồi máu cơ tim bị tử vong trước khi được cấp cứu.
Các trường hợp còn lại có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí đe dọa tới tính mạng về sau như: Vỡ tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim tái phát, suy tim...
Khi gặp các dấu hiệu và triệu chứng như: Đau ngực trái, đau sau xương ức hay đau thượng vị, kéo dài trên 5 phút, có thể lan lên vùng cổ hoặc hàm, đau vai hoặc cánh tay đau kèm, hồi hộp, khó thở, đổ mồ hôi, đau tăng khi vận động, buồn nôn và nôn, mệt mỏi hoặc ngất… mọi người nên đến bệnh viện sớm nhất để được xử trí kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng về sau.
Bác sĩ Nhân cảnh báo: "Tốt nhất, đối với những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch hay thuộc nhóm nguy cơ tim mạch cao như những người hút thuốc lá, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 60 tuổi)… nên được thăm khám thường xuyên. Hoặc đi tầm soát bệnh tim mạch để phát hiện sớm, điều trị và phòng ngừa các nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra".
Để phòng ngừa được bệnh này, cần tăng cường bổ sung các loại rau, trái cây nhiều chất xơ, hạn chế đồ chiên xào, đồ nướng, thịt đỏ, nước có ga... Đồng thời, nên ăn ít muối và hạn chế đường.
Ngoài ra, nên tránh các chất kích thích như trà đặc, rượu, bia, cà phê, thuốc lá hoặc các loại thuốc không được bác sĩ chỉ định. Chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày cũng có thể giúp phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả.