Phụ Nữ Sức Khỏe

Cuối năm tội phạm gia tăng - Cảnh giác với các nhóm ảo

“Tết đến nơi, chủ nợ dí quá, giờ anh em kiếm cái tiệm vàng làm đại”, “Anh em nào cùng cảnh ngộ, hợp tác làm phi vụ ở Bình Dương, TPHCM không?”… đó là những lời rao trên nhóm Facebook “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Nghe qua, cứ tưởng đây là những lời trêu đùa trên mạng xã hội. Nhưng không, các đối tượng rủ nhau đi cướp thật.

Từ xù nợ đến vỡ nợ làm liều

“App C.xxx vay rồi xù nợ được không mọi người”. Đây là câu hỏi của một thành viên ẩn danh đặt ra trong nhóm chuyên hướng dẫn vay tiêu dùng qua app rồi xù nợ. Nhóm có hơn 24.000 thành viên. Chỉ sau chưa đầy 15 phút, bài viết trên đã thu hút hơn 40 bình luận, đa phần là hướng dẫn cách vay tiền rồi xù nợ. Các bình luận đều hướng dẫn đơn giản: dùng căn cước công dân giả, tài khoản mạng xã hội ảo là có thể vay tiền và trốn nghĩa vụ trả nợ. Các đối tượng tự xưng là admin của nhóm còn nhận luôn dịch vụ làm căn cước giả, bán tài khoản mạng xã hội ảo…

Các tin nhắn hướng dẫn cách xù nợ xuất hiện trong các nhóm kín - Ảnh chụp màn hình

Những tháng cuối năm, trên mạng xuất hiện nhan nhản các hội nhóm với tên gọi: bùng nợ online, bùng app vay tiền online, hội bùng tiền các công ty tài chính… thu hút từ vài ngàn đến vài chục ngàn thành viên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các hội nhóm này xuất hiện nở rộ vào thời điểm cuối năm, với mục đích chia sẻ cách vay tiền của các ứng dụng, các công ty tài chính, ngân hàng và trốn nợ. Mỗi ngày, trên nhóm Facebook 34.000 thành viên có tên “Hội bùng app vay tiền online xxxx” có hàng chục bài viết hướng dẫn cách trốn nợ công ty tài chính, ngân hàng. Các tài khoản mạng xã hội mời chào trong các nhóm này thường là ảo. Chỉ cần để lại bình luận cần hướng dẫn, các đối tượng sẽ tiếp cận, chào mời.

Trong vai một người cần vay tiền ngân hàng, chúng tôi tiếp cận với “thành viên ẩn danh” trên nhóm bùng nợ thì được hướng dẫn: “Khi làm thủ tục vay online, mình sẽ chỉnh sửa thông tin trên căn cước để bên cho vay không đòi tiền được. Họ gọi điện thì mình không nghe máy. Gọi cho người thân cũng chẳng được, vì số mình cho là ảo. Nói chung bùng nợ rất dễ, chỉ cần thực hiện đúng theo hướng dẫn”.

Không chỉ các nhóm xù nợ, các hội nhóm “vỡ nợ làm liều” cũng xuất hiện dày đặc trên mạng. Sáng 16/12, trên nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” có bài viết “Anh em nào cùng cảnh ngộ, hợp tác làm phi vụ ở Bình Dương, TPHCM không?”. Chỉ sau ít phút, bài viết trên nhận được hàng chục bình luận muốn “hợp tác”. Ngay sau đó, những người này được mời vào nhóm chat riêng để bàn “phi vụ”. Trước đó, trên một hội nhóm “vỡ nợ làm liều” khác, một tài khoản Facebook tên Trần Đình Châu ngang nhiên chào mời: “Tết đến nơi, chủ nợ dí quá, giờ anh em kiếm cái tiệm vàng làm đại”. Lời rủ rê trên nhận được hơn 30 bình luận hưởng ứng sau 9 giờ đăng tải.

Nghe qua, cứ tưởng đây là những lời trêu đùa, câu view trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các vụ cướp mà nhóm đối tượng trên các hội, nhóm này gây ra hoàn toàn là thật. Cách đây không lâu, Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, quê Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, quê Vĩnh Long) và Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, quê Bến Tre) quen nhau trên nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. 3 đối tượng này có điểm chung là nợ nần, không có khả năng chi trả.

Nguyễn Ngọc Mỹ (trái) và Nguyễn Thị Bích Tuyền quen trên “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” rồi rủ nhau đi cướp ngân hàng ở huyện Hóc Môn - Ảnh do công an cung cấp

Ngày 26/10, sau khi bàn bạc, 3 đối tượng đã cướp ngân hàng ở huyện Hóc Môn, TPHCM. Để thực hiện hành vi cướp, Mỹ mua 2 khẩu súng tự chế, trực tiếp khống chế bảo vệ rồi cướp tiền. Mỹ và Lợi sau khi cướp tiền thì tẩu thoát bằng xe máy khoảng 2km, đến khu vực vắng vẻ thì phóng hỏa, đốt xe. Lúc này, Tuyền đợi sẵn, dùng xe hơi thuê chở cả 2 tẩu thoát. Gần 1 ngày sau khi gây án, cả 3 đối tượng đã bị Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM bắt giữ.

Gần hơn, ngày 22/11, tại Đà Nẵng đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng. Tên cướp đâm tử vong nhân viên bảo vệ. 2 nghi phạm gây ra vụ cướp khai nhận, do không có công ăn việc làm, lại đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá, chơi game, nên nợ nần tiền bạc. Trước đây cả 2 không quen biết nhau, chỉ gặp, trao đổi với nhau trên mạng xã hội thông qua hội nhóm liên quan đến việc xù nợ, làm liều; sau đó bàn bạc, thống nhất đi cướp ngân hàng.

Đơn vị cung ứng nền tảng buông lỏng quản lý

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM - nhận định, hiện nay, các dịch vụ mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng có nhiều người dùng tại Việt Nam như Facebook, Telegram… thuộc sở hữu của các tập đoàn, công ty xuyên biên giới. Các đơn vị này còn buông lỏng quản lý, kiểm duyệt nội dung, tài khoản mạng xã hội nên các đối tượng có điều kiện thành lập các hội nhóm kiểu: vỡ nợ làm liều, xù nợ… có tính chất vi phạm pháp luật.

Công an TPHCM đã bắt giữ nhiều nhóm tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội ẢNH: Chí Thạch

“Các đối tượng lợi dụng không gian mạng để liên lạc, trao đổi, bàn bạc và thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, có các hội/nhóm được lập với mục đích vay nợ, xù nợ, trốn nợ hay bàn bạc thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến tội phạm tín dụng đen, cướp tài sản, tội phạm cờ bạc, ma túy hay các hình thức tệ nạn xã hội khác… Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, do mạng là môi trường dễ dàng tập hợp nhiều đối tượng đang rơi vào khó khăn, túng quẫn nhưng lười lao động và có xu hướng hình thành tư tưởng phạm tội và băng nhóm tội phạm. Thậm chí, một số đối tượng có hành vi phát tán các bài viết để hướng dẫn thực hiện hành vi phạm tội hoặc lôi kéo, bàn bạc cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội” - thượng tá Lê Mạnh Hà đánh giá.

Ông lưu ý, trước thực tế trên, gia đình, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp cần quan tâm quản lý con em, học sinh, nhân viên tham gia các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm tội có thể xảy ra. Bộ Công an và Công an TPHCM cũng đã chủ động nắm và dự báo tình hình, từ đó đề ra nhiều nhóm giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra, khám phá các vụ án kịp thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, thời gian qua, Công an TPHCM đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các công ty cung ứng dịch vụ mạng xã hội nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung, kịp thời gỡ bỏ các hội, nhóm, tài khoản, trang mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cùng với đó, Công an TPHCM cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm gây hệ lụy xấu trong xã hội như: ma túy, tín dụng đen, cờ bạc… nhằm góp phần kéo giảm tội phạm. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi hướng dẫn người khác phạm tội trên mạng; hành vi lợi dụng không gian mạng lôi kéo, tập hợp băng nhóm tội phạm.

“Công an TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm, trong đó chú trọng nội dung cảnh báo, khuyến cáo hành vi tạo lập hoặc tham gia các hội nhóm có tính chất, xu hướng tội phạm là hành vi vi phạm pháp luật để người dân chủ động nhận biết, không tham gia” - thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ giải pháp.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, những hội, nhóm kiểu vỡ nợ làm liều, xù nợ… có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, sự xuất hiện nở rộ và tồn tại của các hội nhóm này cho thấy bất cập trong công tác phối hợp của cơ quan chức năng Việt Nam và các đơn vị cung cấp nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

“Như nhận định của cơ quan chức năng, các đơn vị cung cấp nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang có sự buông lỏng quản lý, kiểm duyệt. Vậy, chúng ta làm gì để khắc phục vấn đề này? Theo tôi, chúng ta cần có chế tài để ràng buộc trách nhiệm của đơn vị cung cấp nền tảng mạng xã hội trong việc kiểm duyệt, xóa bỏ các hội nhóm có tính chất vi phạm pháp luật. Để thành lập một hội/nhóm ở ngoài đời thực, phải được cơ quan chức năng cấp phép và phải đảm bảo rất nhiều điều kiện như: trụ sở, điều lệ, tôn chỉ mục đích… Thế nhưng, để lập một hội/nhóm trên Facebook, chỉ cần vài thao tác trên máy tính. Nếu không có giải pháp ngăn chặn, các hội nhóm này sẽ là mầm họa cho xã hội” - luật sư Nguyễn Tri Đức nói.

Đừng phạm pháp mà không hay

Hiện nay, các hội/nhóm kiểu: bùng nợ, vỡ nợ làm liều, quỵt nợ… đang thu hút rất đông thành viên. Trong đó, có không ít người tham gia và bình luận, chia sẻ trong các hội/nhóm này với mục đích giải trí. Tuy nhiên, đây là những hành động vi phạm pháp luật.

Theo Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện thì hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng. Hành vi đăng tải lên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, bày cách hay rủ nhau tự tử đều bị coi là phạm pháp, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng.

Cùng với đó, nhiều người vay tiền từ các công ty tài chính, ngân hàng đã nghe theo các đối tượng trên mạng và có hành vi xù nợ, giật nợ. Tôi khẳng định, đây là hành vi phạm pháp. Người xù nợ có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TPHCM

Giới trẻ dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng từ các hội nhóm tiêu cực

Hiện nay, các hội/nhóm tiêu cực đang thu hút khá đông thành viên. Đây là những nhóm ảo, nhưng hệ lụy chúng gây ra là thật. Khi chúng ta đang gặp bế tắc, buồn chán trong cuộc sống thì những lời dụ dỗ, lôi kéo, kích động từ các hội/nhóm tiêu cực sẽ tác động và dễ dẫn đến hành vi sai trái, phạm pháp trong thực tế. Khi tham gia các hội/nhóm tiêu cực trên mạng xã hội, nếu chúng ta không đủ mạnh mẽ, không làm chủ bản thân thì khó vượt qua được sự kích động mà có thể nghe theo lời xúi giục. Thông qua tương tác ảo mỗi ngày, cảm xúc tiêu cực lây lan, có thể tạo động lực để nhiều người thực hiện hành vi không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật.

Các nghiên cứu tâm lý thời gian gần đây cho thấy, một bộ phận giới trẻ hiện nay có các hành vi lệch chuẩn do bị ảnh hưởng, tác động của các hội/nhóm tiêu cực trên mạng xã hội. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ đã thực hiện các hành vi phạm pháp, nguy hại cho xã hội.

Xu hướng chung của người dùng Facebook là dễ hùa theo đám đông. Vì thế, chúng ta phải có tinh thần vững vàng khi tiếp cận những thông tin trên mạng. Người dùng internet, mạng xã hội phải tự trang bị khả năng miễn nhiễm với các thông tin tiêu cực; phải có nội lực mạnh mẽ, tâm lý lành mạnh, vững vàng để không hùa theo cảm xúc, thái độ và hành động tiêu cực của các thành viên từ hội nhóm tiêu cực. Tốt hơn hết, nếu được mời hoặc bị thêm vào những hội nhóm như vậy, người dùng nên nhanh chóng rời khỏi nhóm để tránh lây lan cảm xúc tiêu cực.

Ngoài ra, ở các gia đình, nếu cho con dùng mạng xã hội, người lớn cần dạy trẻ kỹ năng ứng phó trước các tình huống như: bị rủ rê, lôi kéo làm điều xấu; bị gạ gẫm… Bên cạnh đó, người lớn cần giúp các em chủ động bảo vệ bản thân khi dùng mạng xã hội bằng cách cài đặt bảo mật phù hợp đối với tài khoản.

Ông Đặng Lê Anh - Chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành

Mạnh tay trấn áp tội phạm dịp cuối năm

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó giám đốc Công an TPHCM - cho biết, theo quy luật, thời điểm cuối năm, các loại tội phạm sẽ gia tăng hoạt động, kết hợp với những khó khăn về đời sống kinh tế - xã hội do người dân mất việc làm.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an TPHCM đã ban hành Kế hoạch về mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tết Nguyên đán Giáp Thìn kể từ ngày 15/12/2023 - 29/2/2024.

“Trong thời gian trên, Công an TPHCM sẽ tập trung tấn công tội phạm, đặc biệt là tội phạm đường phố, tội phạm liên quan tín dụng đen và tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian triển khai trấn áp tội phạm, lực lượng chức năng thành phố sẽ kịp thời triệt phá các băng nhóm mới manh nha hình thành, không để tội phạm lộng hành” - thiếu tướng Trần Đức Tài nhấn mạnh.

Tú Ngân

Theo Hoàng Lâm - Tú Ngân/Phụ Nữ Online

Tin liên quan

Cảnh báo "chiêu" giả danh Zalo người thân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa đưa ra cảnh báo thủ đoạn giả danh Zalo người thân để lừa...

Bỗng dưng nhận cuộc gọi thông báo nợ 29 triệu đồng BHYT, nữ bệnh nhân tại TP.HCM tỉnh táo thoát...

Đối tượng tự nhận là người của cơ quan BHXH hăm dọa, nếu không thanh toán khoản nợ nêu trên,...

Cuối năm cảnh giác chiêu trò lừa đảo thuê xe ô tô tự lái rồi bán

Vào dịp cuối năm, nhu cầu thuê xe ô tô tự lái tăng cao và nhiều đối tượng đã lợi...

Tìm việc cuối năm, cảnh giác với quảng cáo lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”.

Lợi dụng tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết, một số đối tượng thực hiện các chiêu...

Người phụ nữ giả giọng các vùng miền lừa đảo chiếm đoạt 26 tỉ đồng để xây biệt thự

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hà Nam cho biết, đang tạm giam bị can...

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo qua mạng dịp cuối năm

Các đối tượng không có công ăn việc làm tự gắn cho mình mác người thành đạt, có bố mẹ...

Những phiền hà với cuộc gọi điện thoại có dấu hiệu lừa đảo

Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm...

Tin mới nhất

6 mẹo giúp nước hoa lưu hương lâu hơn để tạo ấn tượng với đối phương

32 phút trước

Chuyên gia cảnh báo việc người đã tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca ồ ạt đi xét nghiệm tìm 'cục máu đông'!

33 phút trước

Tại sao cần tiêm vắc xin cúm trước khi mùa hè kết thúc và mùa mưa bắt đầu?

33 phút trước

Bật mí 6 mẹo vặt để bạn thức dậy ngay mà không cần nhấn nút báo thức lại mỗi sáng

34 phút trước

Cơ ngơi 16 tỷ đồng của Đức Tiến sau khi lấy vợ hoa hậu ở Mỹ: Khu vườn ngập hoa...

35 phút trước

Nữ NSƯT là giai nhân nhạc đỏ một thời: Từng có mối tình thầy trò đẹp như cổ tích với...

35 phút trước

Dàn sao nữ 'Cô gái xấu xí' sau 16 năm: Người viên mãn hôn nhân, người 'nghiện thẩm mỹ', một...

36 phút trước

Bác sĩ da liễu hướng dẫn 3 mẹo rửa mặt 'chuẩn khoa học' giúp da dẻ ngày một sáng mịn,...

3 giờ trước

Chăm chỉ áp dụng những bước dưỡng da kiểu Hàn, làn da mọc mụn chi chít bỗng trắng mịn không...

3 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình