Tóc bạc sớm không phải là chỉ điểm của sự hóa già của các bộ phận trong cơ thể, cũng như không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe, tình dục hay tuổi thọ.
Bạc tóc sớm là một chứng bệnh lành tính vì không gây đau đớn, không có biến chứng và cũng cũng không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe, tình dục hay tuổi thọ. Tóc được xem là bạc sớm khi xảy ra trước 30 tuổi ở người châu Á, hoặc 50% số tóc bị bạc trước 50 tuổi. Tóc bạc bắt đầu khi cơ thể chúng ta ngưng hay giảm sản xuất một chất tạo ra màu gọi là sắc tố (melanin).
4 nguyên nhân gây tóc bạc sớm
Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền quyết định thời điểm và tốc độ bạc tóc, không thể thay đổi được. Thời điểm tóc bắt đầu bạc có liên quan chặt chẽ với thời điểm cha mẹ, ông bà bắt đầu bạc tóc. Có những gia đình mà hầu hết thành viên đều bị xem là "xấu máu" khi chứng bạc tóc ở độ tuổi dưới 40, thậm chí chưa đến 20 tuổi.
Yếu tố tâm lý
Ở những người hay lo lắng, stress, dễ xúc động, sống bi quan, đặc biệt với những ai còn kèm theo chứng mất ngủ, tóc bạc rất nhanh.
Một số bệnh lý
Những bệnh lý sau dễ dẫn tới bạc tóc: bệnh về nội tiết (suy tuyến giáp, tuyến yên), da liễu (bạch biến, bạch tạng), thiếu máu ác tính, hội chứng Werner gây bạc tóc sớm kèm theo các bệnh như xơ cứng bì, thể trạng suy yếu, đục thủy tinh thể, tiểu đường, loãng xương...
Thói quen ăn uống, lối sống
Chế độ dinh dưỡng không đúng cách, cũng là thủ phạm gây chứng bạc tóc sớm. Hút thuốc lá sẽ khiến tóc bạc sớm gấp 4 lần người không hút. Có lẽ do nicotin trong thuốc lá gây co mạch máu nuôi nang tóc, làm hạn chế cung cấp máu và oxy đến chân tóc. Tình trạng suy dinh dưỡng nặng (thiếu vitamin B12, thiếu đạm kéo dài) cũng được chứng minh là gây bạc tóc.
Tóc bạc sớm có chữa được không?
Theo BS Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng khoa Điều trị da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương), điều trị tóc bạc sớm rất khó. Nếu do gene di truyền, điều trị chỉ để hạn chế tốc độ bạc tóc, tăng cường dinh dưỡng để tóc khoẻ, chứ không thể trị dứt điểm. Thực tế hiện nay những loại thuốc quảng cáo xịt vào tóc làm cho tóc đen có thể là thuốc nhuộm tóc, là giải pháp tạm thời.
BS Thuỳ khuyên nếu trẻ bị tóc bạc nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ... thì nên đi khám toàn thân, kiểm tra nội tiết, tuyến yên, tuyến giáp... để chẩn đoán chính xác và điều chỉnh kịp thời. Thậm chí, có trường hợp tóc bạc là dấu hiệu của bạch biến, u xơ củ...
Trong một số trường hợp bệnh lý tuyến giáp, tóc có thể đen trở lại sau điều trị bằng hormone. Bổ sung vitamin B12, sắt, đồng, kẽm... trong trường hợp thiếu những chất, vi chất này cũng giúp cải thiện sức khỏe nang tóc, và tóc dần đen trở lại.
Chế độ ăn cho người bị tóc bạc sớm
Để ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng… nhằm duy trì sức khỏe tốt nhất để cải thiện tình trạng tóc bạc sớm:
- Với những người bị rụng nhiều và bác sớm, nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B5, A, E, D, K... những chất này có trong các thực phẩm quen thuộc như cà rốt, bí đỏ, gấc, rau ngót, rau đay, giá đỗ, nấm hương, hành, hẹ, đậu phụ, các loại trái cây tươi, gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám, đậu đen, mè đen...
- Nếu tóc bạc sớm kèm với chứng kém ăn mất ngủ do tâm tỳ hư, bạn có thể ăn những món bổ tâm tỳ như chè hạt sen, hạt sen hầm bao tử heo, các món chế biến từ củ sen, ngó sen, hạt sen, táo, nhãn, mật ong...
- Nếu tóc bạc sớm, tóc rụng đi kèm với biểu hiện người gầy, nóng trong do thận âm hư thì nên ăn các thực phẩm bổ âm như thịt vịt nấu cháo đậu xanh, chè đậu đen hoặc các món khác làm từ đậu đen, mè đen.
Điều gì xảy ra nếu bạn thường xuyên nhổ tóc bạc
Nhiều người có sở thích nhổ tóc bạc, tuy nhiên đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời, thậm chí nhổ tóc thường xuyên sẽ để lại những hệ lụy sau:
Tổn thương nang lông
Việc giật mạnh các sợi tóc có thể gây ra tổn thương nang lông. Đó là một vết thương hở và rất dễ bị nhiễm trùng. Nếu vết thương không được cơ thể chữa lành kịp thời và bị nhiễm khuẩn, nó có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm và để lại sẹo.
Tóc mỏng và hói đầu
Việc nhổ tóc bạc thường xuyên cộng với quá trình lão hóa của cơ thể khiến các nang tóc hồi phục lại với tốc độ chậm không chỉ khiến tóc mỏng đi mà bạn còn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị hói đầu.
Tóc mọc ngược vào trong
Khi nhổ tóc, lớp màng mỏng bao quanh tóc có tác dụng định hướng mọc cho sợi tóc sẽ mất đi. Lúc này, tóc sẽ dễ dàng mọc ngược vào trong dẫn tới ngứa ngáy, khó chịu hoặc nổi mụn.
Tóc bạc nhanh và nhiều hơn
Tóc bạc xuất hiện là do melanin không được duy trì ở tế bào chân tóc. Nguyên nhân có thể là do melanin ở chân tóc đã mất đi hoặc hoạt động kém dần.
Tóc càng ít melanin thì bạc càng nhanh. Khi các tế bào sắc tố trong nang tóc đã mất đi, dù bạn có nhổ hết các sợi tóc bạc trên đầu thì khi mọc ra chúng vẫn bạc. Thậm chí việc càng nhổ nhiều càng khiến tóc bạc mọc nhanh hơn.