Người ta vẫn hay nói mẹ chồng nàng dâu sống chung ắt sẽ có va chạm. Em cũng từng nghĩ như vậy, cho đến khi sống cùng mẹ chồng 3 năm trời.
Hồi mới gặp gỡ, em nghĩ mẹ chồng mình hẳn là người khó tính lắm. Lần đầu đến nhà chơi, em được mẹ chồng đưa cho một cuốn sách dạy làm vợ và làm mẹ. Thời hạn của em là một tuần để thuộc làu cuốn sách và dĩ nhiên, mẹ chồng em chính là người kiểm tra điều đó.
Kết hôn xong, vợ chồng em về sống chung với mẹ anh. Lúc đầu, em cứ nghĩ cuộc sống sẽ khó khăn và nảy sinh nhiều va chạm. Nhưng mẹ chồng em rất tâm lý. Buổi sáng, bà luôn là người dậy sớm nhất nhà để chuẩn bị bữa ăn. Nhiều hôm em quên cơm trưa, mẹ chồng còn mang đến tận công ty cho em nữa.
2 năm sau khi cưới, vợ chồng em vẫn chưa có con. Thực ra bọn em rất mong, nhưng không hiểu sao mãi chẳng có tin vui. Dần dần, mọi người bắt đầu bàn tán và nói những lời không hay về em. Hôm ấy em bị ốm nên nghỉ ở nhà, mẹ chồng em cũng không hề biết. Nằm trong phòng, em nghe bác hàng xóm nói:
“Có khi nào con dâu bác nó bị vô sinh không? Giờ nhiều đứa phá thai trước khi cưới, cho nên lấy chồng rồi vẫn không chửa được đấy”.
“Cái cô này. Con dâu tôi nó ngoan ngoãn hiền lành, ai bảo cô như thế? Là chúng nó đang lo làm ăn kinh tế, con thì lúc nào muốn chẳng được”.
Em cứ để ý xem mẹ chồng có hằn học mình chuyện con cái không. Thế mà đúng thật, bà chưa bao giờ trách móc em nửa lời các chị ạ.
Gần 50 tuổi rồi mà bà còn đi học lớp nấu ăn để tẩm bổ cho con dâu bầu. Ảnh minh họa: Internet
May mắn là đầu năm nay, em đã có thai. Biết tin mình sắp có cháu nội, mẹ chồng em mừng lắm. Gần 50 tuổi rồi mà bà còn đi học lớp nấu ăn để tẩm bổ cho con dâu bầu. Em bảo mẹ chồng cứ ở nhà thì bà nói:
“Mẹ học nấu thêm món, sau này con ở cữ còn đổi bữa cho lạ miệng. Như thế mới nhiều sữa”.
Có lẽ hiếm ai như mẹ chồng em. Mỗi lần con dâu đi khám thai, bà lại đi cùng rồi dùng điện thoại quay lại tất cả. Những ngày sau đó, hôm nào mẹ chồng em cũng mở ra để xem rồi cười tủm tỉm cả buổi.
Chuyện đáng nhớ nhất vẫn là ngày em sinh con. Khi bác sĩ lấy con em ra khỏi bụng, em được nhìn con thoáng qua rồi bác sĩ đẩy em vào phòng hồi sức. Lúc về phòng bệnh, em cố gắng tìm chồng nhưng chẳng thấy anh đâu. Đến buổi chiều, chồng em vào thăm vợ, anh ngồi thừ xuống:
“Em nói đi, nó là con ai”.
Vết mổ còn chưa hết tê, em đã phải chịu sự nghi ngờ từ chồng vậy đấy. Vì buồn quá, em nằm quay mặt vào tường, nước mắt rơi lã chã. Đúng lúc ấy, mẹ chồng em bế cháu vào. Bà đặt con nằm xuống cạnh em. Nhìn kỹ con, em giật mình nhận ra con mình không có một bên vành tai. Có lẽ đó là nguyên nhân mà chồng em nghi ngờ vợ.
Thấy con trai hậm hực, mẹ chồng em gằn giọng:
“Thôi ngay đi, đừng có ngờ vực lung tung nữa. Không phải xét nghiệm gì hết, như thế mới là cháu nhà này. Ông cố nội nó ngày xưa cũng như thế, có gì lạ đâu”.
Thế là chồng em mới im lặng đấy. Em không biết sau khi nghe mẹ nói vậy, chồng em có nung nấu ý định đưa con đi xét nghiệm không. Nhưng nếu anh vẫn còn lo bị vợ cắm sừng, em sẵn sàng để chồng đưa con đi xét nghiệm, dù sao đó cũng là máu mủ của anh mà.