Ngày 15-11, Tổng cục Khí tượng - thủy văn đã công bố báo cáo đánh giá tình hình thời tiết và thiên tai trên cả nước trong 2 tháng gần đây, đồng thời nhận định tình hình thiên tai có thể xảy ra trong các tháng tới.
Theo đánh giá của cơ quan khí tượng, từ tháng 9 đến nửa đầu tháng 11, trên Biển Đông xuất hiện 4 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (từ đầu năm đến nay đã có 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới).
Trong đó có 2 cơn bão là số 4 và số 5 đã đổ bộ vào miền Trung. Trong tháng 9, nắng nóng vẫn xảy ra cục bộ tại một số nơi ở Bắc bộ và Trung bộ. Sang tháng 10 và 11, trên cả nước không còn xảy ra nắng nóng.
Từ tháng 9 đến nay đã xuất hiện 1 đợt không khí lạnh yếu vào ngày 6 và 7-10; sau đó được tăng cường liên tục với cường độ mạnh vào các ngày 9 và 10-10, cường độ trung bình trong các ngày 14 đến 16-10, 18 đến 20-10 và cường độ yếu trong ngày 30-10 đến 1-11.
Nhiệt độ thấp nhất tại Bắc bộ đã có lúc xuống 14-17℃, riêng khu vực Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 7,8℃, Đồng Văn (Hà Giang) 8,8℃, Bắc Hà (Lào Cai) 9℃, Sìn Hồ (Lai Châu) 10℃, Tuần Giáo (Điện Biên) 10,3℃, Cò Nòi (Sơn La) 10,4℃, Trùng Khánh (Cao Bằng) 10,8℃…
Dự báo, từ tháng 12 đến 2-2023, trạng thái La Nina vẫn còn tác động tới thời tiết ở nước ta với xác suất khoảng 65-75%.
Từ nay đến tháng 2-2023 còn khoảng 1-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Đề phòng xảy ra bão và mưa lớn tại khu vực miền Trung vào cuối tháng 11 này và nửa đầu tháng 12-2022.
“Không ngoại trừ khả năng tháng 1-2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông”, cơ quan khí tượng lưu ý.
Nhiệt độ trung bình trong hai tháng tới ở Bắc bộ sẽ cao hơn khoảng 0,5℃ nhưng tại Nam bộ và Tây Nguyên sẽ thấp hơn khoảng 0,5℃ so với trung bình nhiều năm.
Tại Nam bộ và Tây Nguyên từ tháng 12-2022 đến 2-2023, có khả năng xuất hiện mưa rào và dông cục bộ, tổng lượng mưa tháng 12-2022 phổ biến cao hơn 15-80mm so với trung bình và từ tháng 1 cao hơn 5-20mm so với trung bình cùng thời kỳ của nhiều năm. Thời gian tới còn xuất hiện 6 đợt triều cường ở Nam bộ.