Bão số 6 (bão NESAT) tiếp tục mạnh lên và đang ở giai đoạn mạnh nhất với sức gió 139 km/h, tương đương cấp 12-13. Hai ngày tới, hình thái này bắt đầu giảm cấp và đi vào vịnh Bắc Bộ.
Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong những ngày tới, diễn biến về bão số 6 trên Biển Đông dự báo sẽ còn phức tạp.
Sáng nay (18/10), vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149 km/h), giật cấp 15. Theo đó, bão đang ở giai đoạn mạnh nhất. Hình thái này có khả năng duy trì cường độ hiện tại trong 12 giờ tới, sau đó có khả năng suy yếu dần.
Rạng sáng 19/10, tâm bão nằm trên khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14. Sau đó, bão giữ hướng đi, giảm tốc độ và giảm cấp nhanh chóng. Thời điểm tâm bão cách Quảng Bình 100 km vào sáng 20/10, cường độ duy trì mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.
Theo bản đồ dự báo, khi tâm bão hướng vào vịnh Bắc Bộ ngày 20/10, hoàn lưu bão bao trùm khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.
Khác với cơn bão trước đây, khi vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Lu-Dông (Philippines) thường bị giảm cường độ, bão số 6, do đi qua vùng biển thoáng và không bị ảnh hưởng của ma sát địa hình, nên cường độ gần như giữ nguyên khi vào biển Đông (mạnh cấp 11), quỹ đạo khó đoán.
“Hiện không khí lạnh hoạt động mạnh và liên tục được tăng cường nên sự tương tác của không khí lạnh này với hoàn lưu bão trên Biển Đông sẽ quyết định đến quỹ đạo và cường độ của cơn bão số 6”, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm khí tượng và Thủy văn quốc gia cho biết. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đề nghị các địa phương, đơn vị trước mắt, cần đặc biệt lưu ý ảnh hưởng của gió mạnh ở khu vực Bắc Biển Đông, nhất là khu vực biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam, bởi sự tương tác của không khí lạnh và hoàn lưu bão số 6.
Với kịch bản bão suy yếu nhanh, hoàn lưu sau bão sẽ tác động với không khí lạnh gây mưa cho Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Thời gian mưa tập trung trong ngày 20/10, lượng phổ biến 50-70 mm. Đồng thời, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có thể xuất hiện mưa dông từ đêm 19 đến ngày 20/10.
Đáng chú ý, sau cơn bão số 6, từ nay đến cuối năm 2022, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập, có thể tiếp tục xảy ra tại khu vực miền Trung.
Về xu thế thiên tai từ nay đến hết năm 2022, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định: Trạng thái La Nina tiếp tục duy trì trong thời kỳ từ nay đến tháng 1/2023 với xác suất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần với xác suất khoảng từ 50-60%.
Dự báo, từ nay đến tháng 1/2023, trạng thái La Nina (nước biển lạnh đi so với bình thường) tiếp tục duy trì với xác suất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần với xác suất khoảng từ 50-60%.
Từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông sẽ có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó có 2 hoặc 3 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung chính ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ.
Do vậy, từ nay đến cuối năm 2022, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia khuyến nghị các địa phương và người dân tại khu vực miền Trung cần theo dõi sát các bản tin thời tiết, đề phòng xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn dồn dập.
Đối với diễn biến hải văn, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết thời gian tới, các đợt không khí lạnh vào các tháng cuối năm 2022 có khả năng gây sóng cao 2-4m cho toàn bộ vùng biển từ Bắc vào Nam. Riêng vùng biển Cà Mau-Kiên Giang, sóng biển phổ biến 1-2m.
Đặc biệt, ven biển các tỉnh Trung Bộ cần lưu ý đề phòng nước dâng do bão trong khoảng từ tháng 10-12 với xác suất khoảng 70%. Khu vực ven biển Trung Bộ (các tỉnh từ Phú Yên trở vào phía Nam) và ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện nước dâng do gió mùa đông bắc hoạt động mạnh trong tháng 11-12.
Khắp các tỉnh thành miền Trung từ Quảng Bình vào đến Quảng Nam hứng mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền gây nên tình trạng ngập lụt, cô lập, sạt lở. Đặc biệt là trận mưa lớn chưa từng có trong lịch sử ở Đà Nẵng từ trưa 14 đến rạng sáng 15/10 đã khiến địa phương này chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết báo cáo tổng hợp của các tỉnh miền Trung cập nhật đến 17 giờ ngày 15.10 đã ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị có 1.318 ngôi nhà bị ngập 0,3 - 1 m nước. Thừa Thiên-Huế có 19.918 ngôi nhà ngập sâu 0,3 - 0,8 m.
Tại Đà Nẵng, trong ngày 15/10, nước ngập đã rút hết nhưng thống kê tại thời điểm xảy ra mưa lớn trong đêm 14.10 đã có khoảng 3.575 nhà bị ngập. Tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, 4.900 gia đình với 14.205 người phải di dời, sơ tán.
Báo cáo nhanh tại cuộc họp khắc phục hậu quả mưa lớn vào ngày 15/10, đại tá Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết mưa lũ đã làm ít nhất 4 người trên địa bàn tử vong. Các quận trung tâm TP.Đà Nẵng bị ngập sâu gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân, trong đó có khoảng 500 ô tô bị chết máy, hư hỏng nặng, nhiều xe phải nằm lại các tuyến phố đến trưa qua. Tại Quận Sơn Trà, bên cạnh tình trạng nhà dân, chung cư bị ngập sâu, mưa lớn gây sạt lở ở nhiều nơi. Địa bàn Q.Liên Chiểu gần như ngập toàn bộ, chỗ ngập sâu nhất gần 2 m, thấp nhất 0,5 m. Mưa lớn cũng đã gây sạt lở hàng chục ngàn mét khối đất, đá tại phía cửa hầm nam Hải Vân.