Mang thai là một sự kiện lớn trong cuộc đời người phụ nữ. Việc tìm hiểu sớm về những thay đổi của cơ thể theo từng tuần sẽ giúp bà bầu chuẩn bị tâm lí tốt và cảm thấy tự tin hơn, phần nào giảm bớt khó chịu trong suốt thai kỳ.
Tuần 1
Tuần 1 được tính từ ngày đầu tiên có kinh nguyệt của chu kỳ cuối cùng. Do đó, lúc này thậm chí tinh trùng còn chưa gặp được trứng và trứng vẫn chưa rụng. Một trong hai buồng trứng đang chuẩn bị giải phóng 1 quả trứng trong giai đoạn này.
Nếu cả hai buồng trứng cùng giải phóng trứng, chị em có thể sinh đôi cặp song sinh khác trứng. Đây là tuần mà chị em nên bắt đầu dùng các loại vitamin trước sinh.
Tuần 2
Rụng trứng thường xảy ra trong tuần 2. Thời điểm 2 hoặc 3 ngày trước khi sang tuần thứ 2 là thời điểm tốt nhất để tiến hành giao hợp, tăng cơ hội mang thai thành công. Ở tuần 2, các tuyến tăng cường sản xuất estrogen và progesterone khiến ngực của chị em rất mềm mại.
Tuần 3
Tinh trùng cuối cùng chính là chiến binh nhanh nhất, khỏe mạnh nhất trong cuộc đua với 200 triệu đối thủ. Tinh trùng tìm đến trứng và xâm nhập vào bên trong. Trứng gặp tinh trùng sẽ trở thành hợp tử và “đóng cửa” lại, ngăn không cho các tinh trùng khác xâm nhập vào.
Giai đoạn này xảy ra những thay đổi ở cấp độ sinh học tế bào, hình thành đặc điểm giới tính và di truyền, bao gồm màu mắt, màu tóc và khoảng 200 đặc điểm di truyền tương tự khác từ bố và mẹ.
Tuần 4
Thay đổi cơ thể bắt đầu biểu hiện ở giai đoạn này. Một số thay đổi đầu tiên đó là: sưng và đau ngực, mệt mỏi, thường xuyên muốn đi tiểu và buồn nôn.
Sự hình thành nhau thai và dây rốn bắt đầu, trứng được thụ tinh di chuyển vào tử cung và làm tổ tại lớp niêm mạc, điều này có thể khiến thai phụ chảy ra vài giọt máu. Que thử thai lúc này vẫn có nhiều khả năng âm tính giả (có thai nhưng que thử chỉ có 1 vạch).
Tuần 5
Phôi bắt đầu hình thành và phát triển kích thước tương đương với hạt đậu. Sự phát triển của não, các cơ quan và mạch máu của phôi diễn ra từ từ. Một rãnh trên lưng của em bé đang dần phát triển thành ống thần kinh. Ở tuần này, que thử thai cho kết quả 2 vạch chính xác.
Tuần 6
Ống thần kinh trở thành cột sống và tim bắt đầu bơm nhiều máu hơn vào phôi. Hình dạng của phôi trở nên rõ rệt hơn. Mẹ có thể buồn nôn và mệt mỏi nặng nề.
Huyết áp của bà bầu cũng giảm do nồng độ hormone thai kỳ tăng cao. Phôi được bao quanh bởi một màng bảo vệ và được gắn vào túi noãn hoàng.
Tuần 7
Ốm nghén trở nên tồi tệ hơn. Chất nhầy gần cổ tử cung của thai phụ dày lên và bịt kín lối vào tử cung. Bà bầu sẽ bước sang thời kỳ thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh và cảm thấy ốm yếu mặc dù đây là một dấu hiệu tốt, nó cho thấy hormone thai kỳ của mẹ đang hoạt động.
Não và mặt của phôi thai bắt đầu hình thành. Các thấu kính ở mắt phát triển, hình thành lỗ mũi và cánh tay bắt đầu phát triển thành hình dạng giống như mái chèo, ngón tay và ngón chân dần xuất hiện.
Tuần 8
Xương chậu của mẹ bầu có thể có những cơn đau nhói khi đứng lên.
Phôi thai bắt đầu có sóng não từ tuần thứ tám. Bác sĩ kiểm tra nhịp tim hoặc những hoạt động khác của phôi bằng phương pháp siêu âm. Lúc này, tỉ lệ sảy thai giảm xuống 2% và ngày dự sinh chính thức được dự đoán.
Tuần 9
Rò rỉ một lượng nhỏ nước tiểu có thể xảy ra ở giai đoạn này do áp lực của phôi thai ngày càng tăng đè nén lên bàng quang. Trái tim của em bé vẫn tiếp tục phát triển, hình thành mí mắt, các nang lông và núm vú.
Tuần 10
Hình thành bộ phận sinh dục, mí mắt trở nên rõ rệt hơn và lúc này em bé đã được gọi là thai nhi. Oxy được truyền qua dây rốn và các cử động thở thỉnh thoảng được diễn ra.
Tuần 11
Sự thay đổi cơ thể bà bầu ba tháng đầu tiên trở nên nổi bật ở thời điểm này. Cảm giác thèm ăn trở nên rõ rệt trong tuần thứ 11 và đôi khi mẹ bầu có thể thèm những thứ không liên quan đến thực phẩm (thèm ngửi mùi nhựa, thèm mùi xăng…).
Thai nhi có thể thở, mút ngón tay cái, thậm chỉ là thở dài. Đầu của thai nhi có kích thước lớn hơn cơ thể. Sàng lọc trước sinh trong ba tháng đầu được thực hiện trong khoảng từ tuần 11 đến 13 để kiểm tra các bất thường nhiễm sắc thể cùng với xét nghiệm độ mờ vai gáy.
Tuần 12
Thai nhi dài 3 inch (hơn 7cm), nặng khoảng 15g và tiếp tục phát triển hơn nữa. Khuôn mặt em bé của mẹ sẽ trông giống con người hơn. Phần còn lại của cơ thể phát triển nhanh hơn trong khi phần đầu của thai nhi phát triển chậm lại để phù hợp với tỷ lệ cơ thể. Tư thế của em bé thay đổi thành cuộn tròn và thẳng đứng.
Nhu động ruột của bà bầu chậm lại và việc đi đại tiện trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bà bầu thường bị đầy hơi, tăng nhịp tim và cảm nhận được vùng hông đang mở rộng.
Kết thúc tam cá nguyệt thứ nhất, cơ thể bà bầu thay đổi khá nhiều khiến chị em gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo lắng, mọi thứ sẽ ổn hơn khi mẹ bước sang tam cá nguyệt thứ hai.
Nguồn: https://parenting.firstcry.com/articles/body-changes-during-pregnancy-week-by-week/