Cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi' là ai?
Mới đây, mạng xã hội lan truyền nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh một cô đồng ở Hải Dương xem bói bổ cau vừa bói với câu nói cuối "đúng nhận, sai cãi". Câu nói này đã trở thành trend thu hút hàng triệu lượt người xem. Đặc biệt video của cô đồng bổ cau "đúng nhận, sai cãi" thu hút đông đảo người xem.
Theo thông tin đăng tải trên Facebook và TikTok, chủ tài khoản các video này là T.H, còn được gọi là cô đồng T.H sinh sống tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương. Mặc dù hoạt động trên mạng xã hội từ lâu, nhưng gần đây người phụ nữ này mới được nhiều người biết đến qua những video vừa bổ cau, vừa xem bói đăng tải trên TikTok và Facebook.
Nội dung các video cho thấy, cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi' luôn xưng với người xem bói là cô và con. Người này chuyên xem về đường tình duyên, đất cát, nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn… Với những người ở xa có nhu cầu xem bói, cô đồng T.H nhận đặt lịch và sẵng sàng gửi định vị địa chỉ nhà.
Sau mỗi câu phán, cô đồng T.H thường chêm vào câu nói: "Đúng nhận, sai cãi". Câu nói này đã trở thành trend giới trẻ học theo trên nền tảng TikTok.
Nhiều người xem cho rằng, cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi' toàn nói dựa, nói nước đôi, phán những điều không có căn cứ. Những lời lẽ trong video của cô đồng T.H thiếu chuẩn mực, thậm chí còn văng tục, chửi bậy trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý, gỡ bỏ những video có biểu hiện của mê tín dị đoan trên mạng xã hội, tránh ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
Đại diện cơ quan chức năng nói gì về vụ việc cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi'
Liên quan đến vụ việc cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi' ở Hải Dương, trên Thanh Niên, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) đã có những chia sẻ. Theo bà Hương pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng về hành vi lợi dụng bói toán gây ảnh hưởng xấu đến người dân, gây ra những thiệt hại về người và của cải, thì sẽ bị xử phạt về hành chính hoặc xử lý hình sự, hoặc bị xử lý cả hành chính và hình sự.
Các mạng xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ và có tác động vô cùng lớn đối với xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ. Vì vậy, mỗi người dân khi tham gia vào mạng xã hội phải chấp hành các quy định của pháp luật về trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, cũng như nâng cao nhận thức của mình đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Nhận định về sự việc này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh - truyền hình - thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, với trách nhiệm quản lý, Bộ sẽ có ý kiến yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của cô đồng T.H. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh.
Nhìn nhận từ góc độ tâm lý, trên Dân trí, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) lý giải, vào thời điểm đầu xuân, ngày Rằm, mùng 1, nhiều người vì mong muốn biết được vận mệnh trong tháng, trong năm của mình nên thường đi xem bói, coi tử vi. Chính điều này khiến các trò bói toán nở rộ khắp nơi, ngay cả trên mạng xã hội.
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, trong cuộc sống, tinh thần mỗi người đều dễ bị tác động bởi những yếu tố tích cực và tiêu cực. Trong thâm tâm, ai cũng mong muốn bản thân sẽ gặp những điều tốt đẹp. Vì vậy, khi biết được sẽ có những chuyện không hay, không tốt "sẽ xảy ra" trong tương lai, tâm lý chung sẽ nghĩ đến việc tìm cách khắc phục.
Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều đối tượng đã tìm cách lợi dụng để trục lợi, làm giàu cho bản thân. Họ đưa ra những chiêu thức khác nhau. Các chiêu thức này mang tính mơ hồ, phỏng đoán, đánh vào sự hoang mang của mỗi người.
Ngoài ra, họ tự cho mình có "khả năng đặc biệt" để người ta tin và nghe theo mình. Từ sự tin tưởng đó dẫn dụ người xem đến các hành vi khác để khắc phục, giải hạn.
Vị chuyên gia này cho rằng mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh nên những "cô đồng", "bà cốt" tự xưng đã triệt để khai thác thế mạnh công nghệ để đưa ra các phương thức tác động tới người xem, mọi lúc mọi nơi.
Nhiều người thiếu tự tin vào mình sẽ dễ bị tác động bởi các lời bói toán không có cơ sở. Từ đó họ nghe theo, làm theo yêu cầu của "ông đồng", "bà cốt" online.
Trong khi đó PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo "điều này điều kia" dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Chưa có nghiên cứu đầy đủ xác định hành vi hầu đồng là đúng hay sai, mà tùy theo quan niệm của từng người. Tuy nhiên, nếu những người tự xưng là "cô đồng", dùng mạng xã hội để lan truyền, quảng bá hiện tượng mê tín, dị đoan thì cần bị xử lý theo quy định pháp luật.
Công an vào cuộc xác minh vụ việc cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi'
Theo Zing, sáng 8/2, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thông tin đã giao công an thị xã xác minh sự việc liên quan cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi' đang lan truyền trên mạng xã hội.
"Tôi đã giao Công an thị xã Kinh Môn cùng với UBND phường Hiến Thành vào cuộc xác minh. Lực lượng chức năng đang làm việc kỹ lưỡng, nếu có vi phạm sẽ xử lý", lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn nói.
Theo Chủ tịch UBND phường Hiến Thành, cô đồng T.H. trước lấy chồng ở địa phương khác, mới quay về địa bàn. "Người phụ nữ này mới về địa phương sinh sống để trông nhà cho bố mẹ. Lực lượng chức năng đã vào cuộc xác minh để có báo cáo gửi Ban Tôn giáo và UBND thị xã", lãnh đạo UBND phường Hiến Thành chia sẻ.