Từ khi mang thai, tôi bị VMDƯ thường xuyên hơn và rất khó chịu. Bệnh có ảnh hưởng gì thai nhi không? Tôi nên mua dùng loại thuốc nào để an toàn cho cả mẹ và con?
Đỗ Ngọc Huyền (Hòa Bình)
Chị Huyền thân mến! VMDƯ trong thai kỳ không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được, bệnh viêm mũi có thể gián tiếp ảnh hưởng đến thai bằng cách ảnh hưởng đến dinh dưỡng thai kỳ, giấc ngủ, hoặc căng thẳng.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy viêm mũi không kiểm soát được có thể là nguyên nhân gây ra ngáy ngủ, điều này có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và thai chậm phát triển trong tử cung.
Không kiểm soát được bệnh viêm mũi cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn đi kèm hoặc dẫn đến viêm xoang trong quá trình mang thai.
Thuốc điều trị VMDƯ cho phụ nữ mang thai có thể sử dụng một vài loại thuốc như: glucocorticoid dạng xịt mũi (beclomethasone dipropionate, fluticasone propionate...) có hiệu quả cao đối với VMDƯ và được coi là thích hợp để sử dụng trong thai kỳ. Phụ nữ có thai nên sử dụng liều thấp nhất mà vẫn hiệu quả.
Thuốc kháng histamin đường uống dùng cho bà bầu thích hợp nhất là: acrivastin, cetirizin, loratadin, mizolastin và terfenadin... bởi vì các thuốc này ít có tác dụng an thần và tác dụng phụ cholinergic cũng thấp.
Loại thuốc co mạch làm thông mũi, giảm sung huyết, thuốc co mạch dùng tại chỗ (naphazolin, oxymetazolin, xylometazolin...) có thể được sử dụng trong thời gian ngắn (dưới 3 ngày) để làm giảm tạm thời tình trạng nghẹt mũi nặng.
Lưu ý, nên tránh sử dụng thuốc co mạch, thông mũi đường uống trong 3 tháng đầu thai kỳ do nguy cơ không chắc chắn về một dị tật bẩm sinh hiếm gặp mà các thuốc này gây ra, đó là hở thành bụng.
Tốt nhất chị nên đi khám bệnh để bác sĩ chỉ định dùng thuốc. Nhất là với bà bầu bị chứng dị ứng, việc dùng thuốc càng phải thận trọng hơn vì có cơ địa rất nhạy cảm. Chị không nên tự ý mua thuốc về dùng vì việc dùng thuốc không đúng có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc nguy hiểm cho cả mẹ và con.