Trẻ sơ sinh bị ngứa có nên tắm lá?
Theo kinh nghiệm dân gian, rất nhiều các bậc phụ huynh khi thấy trẻ sơ sinh bị mẩn ngứa, nổi rôm sảy đều nghĩ ngay đến việc sử dụng các loại nước lá tắm (nước lá khế, hương nhu, đinh lăng, tía tô, rau mùi…). Tuy nhiên, theo y học hiện đại, các bác sĩ chuyên khoa đều khuyến cáo cha mẹ không nên dùng lá tắm trị ngứa cho trẻ sơ sinh vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết khi trẻ bị ngứa hay mắc các chứng rôm sảy, cha mẹ không nên dùng các loại lá tắm cho trẻ sơ sinh theo kinh nghiệm dân gian.
Bác sĩ Khanh giải thích, làn da trẻ sơ sinh cực kỳ nhạy cảm đối với bất kỳ tác nhân nào. Dùng lá tắm cho trẻ sơ sinh có thể phá vỡ cấu trúc làn da của bé. Bên cạnh đó, những loại lá này có nguy cơ tiềm ẩn những loại vi sinh vật gây bệnh. Dùng lá tắm trị ngứa có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn, viêm da. Theo thống kê, có đến 90% trẻ sơ sinh mắc các chứng bệnh viêm da do bị nhiễm khuẩn từ các yếu tố bên ngoài.
Nên tắm cho trẻ sơ sinh bằng gì?
Làn da trẻ sơ sinh có mức độ mỏng hơn 5 lần và độ nhạy cảm gấp 5 lần so với da người lớn. Trong 3 tháng đầu đời, cầu trúc da chưa ổn định nên bé dễ gặp phải tình trạng nổi mụn sữa trắng, rôm sảy, ngứa, viêm da cơ địa.
Để bảo vệ làn da nhạy cảm cho trẻ sơ sinh, thay vì náp dụng kinh nghiệm tắm các loại lá, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên phụ huynh chỉ nên dùng nước sạch đun sôi có nhiệt độ vừa phải (từ 36 – 38 độ C) để tắm cho bé.
Khi pha nước tắm cho con, cha mẹ có thể dùng cùi chỏ nhúng vào chậu nước để kiểm tra nhiệt độ nước đã phù hợp hay chưa. Ngoài ra, bác sĩ Khanh cho biết, cha mẹ có thể sử dụng các sản phẩm làm sạch có độ pH trung bình để giữ độ cân bằng cho làn da. Trẻ dưới 1 tháng tuổi chỉ nên tắm từ 3 – 4 lần mỗi tuần, không cần tắm quá thường xuyên.