Phát hiện từ dấu hiệu chảy dịch
Chia sẻ về bệnh của mình, chị Nhung cho biết từ tháng 3/2018, chị thấy đầu ngực chảy dịch, không đau, không có dấu hiệu gì khác nên đã chủ động tới bệnh viện khám. Lúc ấy, bác sĩ siêu âm có khối u nhỏ ở ngực và sinh thiết tế bào chẩn đoán lành tính.
Chị an tâm với kết quả đó và chủ quan không nghĩ gì tới nó. Lúc đó mới ra trường nên lo lắng cho công việc của mình hơn.
Đến tháng 7/2018, chị Nhung thấy khối u ở ngực to hơn nên thấy lo lắng vì cảm nhận khối u nổi cộm ở ngực. Chị tới bệnh viện chuyên khoa ung thư để kiểm tra. Dù lăn tăn về khối u nhưng chị chỉ nghĩ đó chỉ là lành tính, đi kiểm tra cho chắc.
Không ngờ kết quả sinh thiết tế bào là ung thư vú. Chị không tin nên đi kiểm tra đối chiếu thêm ở các cơ sở khác và 3 bệnh viện đều có cùng kết quả là ung tư vú.
Cô gái trẻ cảm thấy mọi thứ như sụp đổ vì tương lai phía trước đã đóng lại. Căn bệnh ung thư khiến chị cảm thấy hoang mang và yếu đuối. Tuy nhiên, khi lấy lại được bình tĩnh, tìm hiểu về ung thư, chị cảm thấy mình cần bình tĩnh và chiến đấu với bệnh.
Khoảng thời gian 9 tháng từ phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực đến các đợt hoá trị, chị Nhung từ cô gái suy sụp vì tuổi trẻ, chưa có gia đình, bạn trai đã trở nên mạnh mẽ hơn.
Chị kể: "Từ khi làm bạn với tế bào ung thư, Nhung đã tự tin hơn và không còn sợ. Mất một bên ngực không khiến bản thân tự ti mà thậm chí còn thoải mái hơn".
Nhung tâm sự sau những tháng ngày kiên cường chiến đấu với bệnh ung thư vú, chị đã chiêm nghiệm ra nhiều thứ và có rất nhiều cảm xúc. 9 tháng không quá dài cũng không phải ngắn, đối với cô đó là một cuộc chiến mà cả đời sẽ không bao giờ quên.
Nhung muốn có thể truyền lửa cho những người đồng bệnh như chị có thể chiến thắng được bênh ung thư. Dù không khỏi hẳn ung thư nhưng có thể sống chung với nó như một người bạn.
Dấu hiệu ung thư vú
Theo PGS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ung thư vú là bệnh ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư phổi tại các nước trên thế giới.
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2018, trên toàn thế giới có 2.088 849 trường hợp ung thư vú mới mắc (chiếm 11,6% trong tổng số tất cả các loại ung thư ở cả hai giới) và 626. 679 trường hợp tử vong do ung thư vú.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu gánh nặng bệnh ung thư và chiến lược phòng chống ung thư quốc gia, đến năm 2020, ung thư vú là bệnh có tỷ lệ mới mắc cao nhất trong các bệnh ung thư ở nữ giới.
PGS Phương cho biết mặc dù tỷ lệ mắc ung thư vú có xu hướng tăng trong những năm gần đây nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh vẫn từng bước được cải thiện nhờ các thành tựu đạt được trong phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán và điều trị.
Điều trị ung thư vú là phối hợp điều trị đa mô thức: Phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, điều trị nội tiết, điều trị đích bằng kháng thể đơn dòng (trastuzumab, pertuzumab..), các thuốc ức chế tyrosin kinase (lapatinib, sunitinib…) đang được nghiên cứu và sử dụng.
Các dấu hiệu để nhận biết sớm ung thư vú là thấy một bên vú dày chắc hơn bên kia, tụt núm vú. Da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường, thay đổi màu sắc trên da của vú.
Chảy dịch 1 bên vú, chảy dịch máu, sưng hoặc đỏ vú, hạch nách hoặc hố thượng đòn là dấu hiệu có khả năng mắc bệnh ung thư lên đến 80%.
Để nhận biết dấu hiệu sớm, chị em phụ nữ có thể tự kiểm tra vú của mình hay còn gọi là tự khám vú ở nhà bằng cách kiểm tra ngực một tháng 1 lần sau chu kỳ kinh nguyệt 5 – 7 ngày.
Khi kiểm tra có thể tự đứng trước gương hai tay xuôi, quan sát các thay đổi ở vú như u cục, dầy lên, lõm da hoặc thay đổi màu sắc da sau đó đưa tay ra sau gáy, sau đó quan sát lại.
Có thể sờ nắn bằng cách lấy tay phải kiểm tra ngực trái. Lấy 4 ngón tay đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú trở ra ngoài.
Kiểm tra cả phần vú phụ ở nách nếu thấy u cục cần đi khám ngay. Đây có thể là dấu hiệu bất thường của ung thư vú.