“Chiếc áo len này được lót bên trong bằng lông cừu và rất ấm áp. Tôi sẽ cho các bạn xem đằng sau, nếu các bạn thích hãy cho nó vào giỏ hàng”, Zhang Dayi vừa nói vừa giơ cao chiếc áo màu xám lên trước ống kính máy quay.
Từng hành động nhỏ như tay sờ thử chất liệu trang phục đều được 2,3 triệu khán giả xem video livestream của Zhang dõi theo chăm chú mỗi ngày.
Về phần Zhang, sau vài câu giới thiệu sản phẩm, cô lại dừng vài giây để xem các bình luận người mua hiện lên trên màn hình điện thoại.
Ở tuổi 31, Zhang Dayi có thu nhập cao hơn nhiều ngôi sao giải trí Trung Quốc nhờ bán hàng online. Ảnh: Reuters.
Thành triệu phú nhờ bán hàng online
Trên thực tế, cô là một trong những người nổi tiếng nhất trên mạng xã hội tại đất nước tỷ dân, với 11,6 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo.
Năm 2016, ước tính Zhang kiếm được 46 triệu USD nhờ hoạt động kinh doanh của mình, nhiều hơn cả Phạm Băng Băng khi nữ diễn viên chỉ bỏ túi số tiền 21 triệu USD, theo Forbes.
Hiện tại, ở tuổi 31, Zhang được xếp vào hàng triệu phú với thu nhập rơi vào mức hàng chục triệu USD một năm.
Năm 2014, Zhang bắt đầu mở thương hiệu quần áo và làm đẹp của riêng mình trên Taobao. Cô thử nghiệm bán quần áo qua hình thức livestream hai năm sau đó.
“Với hình ảnh hay video ngắn, có một số khó khăn nhất định như tôi không thể phát phiếu giảm giá hay trò chuyện với người mua hàng. Các video trực tuyến giúp xóa nhòa khoảng cách giữa người bán và người mua”, Zhang trả lời phỏng vấn Reuters.
Công ty của cô hiện phát video livestream từ 9 giờ sáng đến 23 giờ tối mỗi ngày và Zhang thường xuyên lên sóng.
Giới phân tích kinh tế Trung Quốc gọi Zhang là gương mặt đại diện cho cách thức mua sắm mới tại nước này, khi thương mại trực tuyến, kết hợp giữa thương mại điện tử và nền tảng livestream lấn át các nhà bán lẻ.
Trả lời tất cả mọi thứ xung quanh quần áo, từ kích thước, màu sắc cho đến mùi hương, những người bán hàng hoạt ngôn như Zhang dành phần lớn thời gian trong ngày để tương tác với người mua hàng.
Tại những thời điểm mua sắm tấp nập nhất năm, doanh số cửa hàng của Zhang lên đến hàng trăm triệu nhân dân tệ. Ảnh: Reuters.
Nhóm của cô đánh giá thái độ người tiêu dùng đối với một số sản phẩm bằng cách phân tích dữ liệu và bình luận của người theo dõi dưới các bài đăng trên mạng, kết hợp với dữ liệu bán hàng của cô.
Ngoài ra, các khuyến mãi được cô tung ra đều đặn để khuyến khích nhiều người đặt hàng hơn. Vào những dịp lễ mua sắm như ngày Độc thân (11/11) hay ngày “Double 12” (12/12), cửa hàng của cô bội thu tiền.
Trong Ngày độc thân vừa qua, doanh số trên khắp các cửa hàng trực tuyến của cô đạt 340 triệu nhân dân tệ, con số lớn hơn rất nhiều so với 7-8 triệu nhân dân tệ kiếm được tại thời điểm Zhang mới khởi nghiệp kinh doanh.
Từ tháng 9, Zhang lấn sân sang mảng review, cô “bắt tay” với các thương hiệu khác, cho ra đời các video livestream đánh giá sản phẩm từ các nhãn hàng làm đẹp, đồ ăn khác như Yves Saint Laurent và KFC.
"Xem livestream bán hàng là hình thức giải trí"
Trong bối cảnh thương mại điện tử bị chững lại khi nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn, nền tảng livestream trở thành đối thủ đáng gờm của các nhà bán lẻ.
Tập đoàn Alibaba cho biết hơn 50% các cửa hàng đã sử dụng các video phát trực tiếp để bán hàng, thu về 20 tỷ nhân dân tệ (2,84 tỷ USD) vào dịp Ngày Độc thân tháng trước.
456 triệu người Trung Quốc đã xem các video phát trực tiếp vào năm 2018, theo thống kê của Tập đoàn Deloitte.
Các thương hiệu khác cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Trong lễ Độc thân, riêng nhãn hàng L’Oreal tổ chức hơn 600 giờ livestream từ ngày 21/10-11/11 để thu hút khách hàng.
Với người tiêu dùng Trung Quốc, livestream không đơn thuần là để mua hàng, nó là hình thức giải trí. Ảnh: SCMP.
Mua sắm qua nền tảng livestream mới chỉ thực sự nở rộ trong năm vừa qua. Trước đó, các thương hiệu tiếng tăm tỏ ra khá thờ ơ với hình thức này.
"Điều này đặc biệt khó khăn trong nửa đầu năm 2018. Chúng tôi đã phải đến thăm từng công ty một để thuyết phục các thương hiệu rằng người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng mua sắm theo cách này", Yang Zhao, người đứng đầu công ty trực tuyến Taobao của Alibaba, nhớ lại.
"Sau đó, nó thực sự bùng nổ. Giờ đây, các công ty bắt đầu coi video trực tiếp là một phần của kế hoạch chiến lược hàng năm của họ, bao gồm chuyện đầu tư bao nhiêu, số tiền dự tính thu về và nội dung cần tạo ra để phù hợp với nền tảng này”, Zhao nói thêm.
Trong năm qua, các mạng xã hội và thương mại điện tử của phương Tây cũng cho ra mắt các kênh tương tự. Instagram, Snapchat tung ra tính năng cho phép người dùng mua sắm từ ứng dụng. “Ông lớn” Amazon cũng ra mắt trang web phát trực tiếp "Amazon Live".
"Trong khi người nước ngoài cũng xem video, cũng dùng Instagram nhưng không có nền tảng nào chuyên livestream như Kuaishou hay Taobao. Người tiêu dùng Trung Quốc xem đây là một loại hình giải trí, họ nghĩ rằng nó rất thú vị", Lu Zhenwang, một nhà phân tích thương mại điện tử tại Thượng Hải, cho hay.