Nhiều ngày nay, chị Nguyễn Thanh Hoa (30 tuổi, TP.HCM) sống trong tình trạng lo lắng, mất ăn mất ngủ vì phải chịu hậu quả do tiêm filler độn cằm. Cách đây 2 năm, chị Hoa bắt đầu sử dụng phương pháp làm đẹp này, tiêm filler nhiều lần tại các cơ sở thẩm mỹ khác nhau.
Thời gian gần đây, cằm có hiện tương sắc da đỏ. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện một khối có mật độ bất thường, không gây sưng đau nhưng âm thầm phá hủy mô bên trong. Chị Hoa được bác sĩ chỉ định phẫu thuật nạo, vét filler.
Theo bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM), bệnh nhân cần nạo, xử lý biến chứng nhiều lần, không thể đảm bảo lấy hết filler 100% ra khỏi cơ thể. Cằm bệnh nhân có thể trở lại như ban đầu hay không còn phụ thuộc vào tình trạng, mức độ phá hủy mô, viêm cấp hay mạn tính.
Bác sĩ Ngọc cho biết tiêm filler vào cơ thể không khó nhưng xử lý biến chứng rất phức tạp, chi phí điều trị cao. Chất liệu filler bị làm giả trôi nổi trên thị trường rất nhiều, giá cả chênh lệch. Mọi người cần có ý thức bảo vệ bản thân, tìm hiểu và xác định đâu là filler chất lượng trước khi thực hiện.
Vị chuyên gia thẩm mỹ này khuyến cáo filler chính hãng đạt chuẩn rơi vào tay người tiêm sai kỹ thuật vẫn có nguy cơ biến chứng. Filler chính hãng được bác sĩ có giấy phép hành nghề tiêm sẽ đảm bảo tỷ lệ an toàn rất cao. Bác sĩ cũng là người chịu trách nhiệm khi biến chứng xảy ra.
*Tên nhân vật đã được thay đổi