Biến dạng vì làm đẹp
Chị Nguyễn Thị C. trú tại TP.HCM đã bị biến dạng mặt nghiêm trọng do tự tiêm chất làm đầy ở một cơ sở làm đẹp với giá 13 triệu đồng. Sau đó, chị phải đi điều trị tại bệnh viện hai tháng trời vẫn chưa hồi phục.
Trước khi tiêm, chị C được tư vấn và hứa hẹn bảo hành "rất ngon ngọt" nên chị bị cuốn hút theo lời quảng cáo. Tuy nhiên, chỉ sau 1 thời gian ngắn, gương mặt của chị bắt đầu bị sưng và nhiễm trùng chỗ tiêm. Sau khi tiêm, chị C chỉ nhận được gương mặt biến dạng và không có cơ hội trở lại như xưa.
Chị C kể, chính chị cũng không biết filler chị đã được tiêm là loại gì. Phía bên cơ sở làm đẹp cũng không cho chị biết cụ thể là chất gì nên khi vào Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để điều trị, bác sĩ cũng không biết chị được tiêm loại gì để xử lý.
Theo bác sĩ Cao Xuân Ngọc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thẩm mỹ NOCOS, Giảng viên lớp laser thẩm mỹ Khoa Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội, filler đang được quảng cáo và thần thánh hoá lên nhiều, đặc biệt là vấn nạn sử dụng chất này "nhộm nhoạm" ở các cơ sở thẩm mỹ.
BS Ngọc cho biết, thời gian qua anh cũng gặp một số trường hợp tai biến khi tiêm filler như mù do tắc động mạch ổ mắt, hoại tử đầu mũi do tắc động mạch nuôi vùng đấy. Một số trường hợp nhiễm khuẩn tại vĩ trí tiêm do quá trình tiêm không đảm bảo vô khuẩn
Anh Ngọc nhấn mạnh, filler được coi là phương pháp làm đẹp "thần tiên" có thể lấp những khuyết điểm.
Filler cũng là công nghệ mới trong thẩm mỹ nội khoa, bản chất của filler được cấu tạo từ acid hyaluronic giống như một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể con người, chất này thay thế cho các hyaluronic tự nhiên trong tế bào bằng phương pháp tiêm. Nó giúp làm đầy các tổ chức bị thiếu hụt như nâng mũi, đột cằm, tiêm làm đầy các rãnh nhăn.
Đối với các bác sĩ chuyên môn, đây là phương pháp làm đẹp ít xâm lấn và an toàn hơn rất nhiều so với các phương pháp phẫu thuật xâm lấn trước đó. Tuy nhiên, không có gì là hoản hảo 100% cả, tất cả các phương pháp đều có nguy cơ tai biến.
Đặc biệt, khi phương pháp này trở thành trào lưu, việc tiêm filler không dừng lại bởi các bác sĩ chuyên môn điều trị mà ngay cả các cơ sở spa khác không có chuyên môn cũng tham gia vào công cuộc này. Và phần lớn các tai biến đều bắt nguồn từ đây vì sự thiếu hiểu biết của cả khách hàng cũng như các cơ sở điều trị
Những tai biến rình rập
Bác sĩ Ngọc cho biết, thường các tai biến xảy ra khi tiêm filler là do người tiêm không có chuyên môn. Các tai biến hay gặp như:
- Tiêm nhầm vào mạch máu. Việc này thường xảy ra đối với một số người không hiểu cấu trúc giải phẫu của cơ thể, việc tiêm nhầm mạch máu có thể dẫn đến tắc mạch. Nếu tắc mạch ổ mắt có thể dẫn đến mù, một số trường hợp khác bị hoại tử tại nơi tắc mạch.
- Nhiễm trùng sau khi tiêm: Thường tai biến này xảy ra đối với một số trường hợp cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình tiêm.
- Tiêm quá liều: Khi chúng ta tiêm một lượng lớn chất làm đầy vào một vị trí, điều này dẫn đến việc chèn ép các cơ quan xung quanh nó như mạch máu, dây thần kinh, dẫn đến nhiều tai biến sau này
Hiện nay có rất nhiều các sản phẩm filler trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo sử dụng sản phẩm an toàn dùng trên người, chúng ta cần có một sản phẩm đảm bảo uy tín.
Một trong những điều kiện chúng ta cần quan tâm đối với filler là phải có giấy chứng nhận của FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng sản phẩm chúng ta cũng lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ nhãn mác để tránh hàng giả, hàng nhái khi sử dụng.
Mặc dù chưa có những nghiên cứu rõ ràng cho những trường hợp chống chỉ định tiêm filler, tuy nhiên một số trường hợp không nên sử dụng filler đã được kể đến như phụ nữ đang mang thai và cho con bú, những người có mẫn cảm với các thành phần của filler hoặc thuốc tê, những người có các bệnh lý như máu khó đông, tiểu đường…