Ngày 4/5, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM) cho biết, mới đây các bác sĩ Đơn vị Ung thư, khoa Ngoại tổng hợp đã phối hợp tầm soát sức khỏe, phát hiện và can thiệp phẫu thuật sớm cho một trường hợp bệnh nhân bị ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ.
Bệnh nhân là chị M.D. (32 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM), đến bệnh viện khám tầm soát sức khỏe định kỳ. Qua siêu âm, bệnh nhân tình cờ phát hiện tuyến giáp có nhân giáp thùy bên trái với kích thước 1cm, chưa thấy di căn hạch, phân độ u tuyến giáp TIRADS 5 (có từ 5 tổn thương trở lên).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp và Đơn vị Ung thư chia sẻ, trường hợp của bệnh nhân D. có thể chỉ định cắt bướu giáp. Tuy nhiên, quá trình gây mê có thể gặp rủi ro. Sau mổ, bệnh nhân sẽ có sẹo xấu mất thẩm mỹ, hoặc bị biến chứng như khàn tiếng, do tổn thương dây thần kinh thanh quản. Ngoài ra, tỷ lệ tái phát ở phần tuyến giáp còn lại rất cao.
Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định thực hiện FNA (thủ thuật chọc hút tế bào nhân tuyến giáp, xác định xem nhân tuyến giáp là lành hay ác tính), cho kết quả ung thư tuyến giáp dạng nhú.
Dự vào kết quả trên, ngay sau buổi hội chẩn, bệnh nhân đã được ekip gây mê và phẫu thuật thực hiện nội soi cắt toàn bộ thùy trái tuyến giáp, kèm nạo vét hạch trong ung thư qua nội soi ngả miệng. Nhờ can thiệp điều trị sớm, sức khỏe bệnh nhân sau mổ đã ổn định nhanh chóng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Vũ Văn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp và Đơn vị Ung thư cho biết thêm, phẫu thuật nội soi giúp bác sĩ quan sát rõ ràng vị trí mổ và tiếp cận dễ dàng 2 thùy tuyến giáp, ít tổn thương các cấu trúc quan trọng. Bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này sẽ có thời gian hậu phẫu ngắn ngày, bình phục nhanh, ít biến chứng, ít đau sau mổ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không có sẹo vùng cổ, vết mổ lành nhanh.
Theo các bác sĩ, tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng nằm ở vùng cổ trước. Tuyến giáp hấp thu i-ốt để tiết ra các hormone tuyến giáp, tham gia vào trao đổi chất cơ bản của cơ thể, tác động tới nhịp tim, hoạt động của các cơ quan…
Có một số nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp, như đột biến gen, gia đình có tiền sử ung thư tuyến giáp, tiền sử bệnh bướu cổ, tiếp xúc tia bức xạ, thiếu chất i-ốt... Bệnh hay gặp ở phụ nữ 25-60 tuổi.
Ung thư tuyến giáp gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, như suy giáp, khó nuốt, liệt dây thanh... Việc dùng thuốc phóng xạ trong điều trị cũng dẫn đến nhiều hậu quả, như viêm tuyến giáp, phù não, ảnh hưởng chức năng sinh sản... Ngoài ra, ung thư có thể di căn đến các vị trí khác như xương, phổi.
Bác sĩ chia sẻ, ung thư tuyến giáp thường phát triển chậm, người bệnh chỉ tình cờ biết bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc có những biểu hiện như khàn tiếng, nghẹn khi nuốt. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị ung thư tuyến giáp, giúp tỷ lệ chữa khỏi bệnh tăng cao.
Do đó, bệnh nhân cần được thăm khám, tầm soát sức khỏe tổng quát định kỳ, siêu âm kiểm tra để phát hiện sớm các bất thường và kịp thời can thiệp, ngăn chặn diễn tiến nặng lên của bệnh.