Bị mắng vì lúc nào cũng mang khẩu trang
Trần Hương Giang (25 tuổi), đang làm nhân viên kinh doanh ở TP.HCM. Công việc này khiến cô gái 25 tuổi phải thường xuyên đi gặp khách hàng, chạy ngoài đường nhiều nên vốn dĩ đã có làn da dễ nổi mụn, khi tiếp xúc với nhiều bụi bẩn, tia cực tím tình trạng càng nghiêm trọng hơn.
Giang kể, ban đầu da mặt chỉ có mụn ẩn li ti và mụn đầu đen. Muốn da đẹp hơn, cô đã tự nặn, skincare (chăm sóc da), dùng nhiều loại mỹ phẩm, thuốc thoa mụn theo các hướng dẫn trên mạng. “Mấy ngày đầu sử dụng, da mặt tôi hết mụn. Nhưng sau đó, hai má và trán của tôi nổi hàng loạt mụn viêm đỏ, sưng to, đau nhức, chảy dịch”, Giang nhớ lại.
Sau khi điều trị, tình trạng mụn trứng cá của Giang được cải thiện. Ảnh: BVCC.
Để che đi khuyết điểm, mỗi khi đi đâu, gặp ai cô gái trẻ phải trang điểm kỹ mới đủ tự tin. Cũng chính việc làm này khiến da mặt, các nốt mụn của Giang càng thêm tổn thương và nghiêm trọng hơn.
Giang cho biết, vì mong muốn da mặt của mình được cải thiện, những nốt mụn dần hết đã đi trị nhiều nơi, bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, việc điều trị đã làm cô bị tốn kém, mất nhiều thời gian nhưng không hiệu quả. Từ đó, giang rơi vào trạng thái chán nản, tự ti, ngại tiếp xúc với người xung quanh và dễ bị stress.
Công việc của Giang cũng bị ảnh hưởng khi cô phải luôn mang khẩu trang lúc gặp khách hàng. “Gặp ai tôi cũng phải mang khẩu trang. Vì vậy, tôi thường xuyên bị khách hàng mắng bất lịch sự, không tôn trọng họ”, Giang chia sẻ.
Mới đây, Giang đến khám da liễu ở một bệnh viện tư ở TP.HCM và được chẩn đoán bị mụn trứng cá. BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da cho biết, ngoài dùng thuốc bôi mụn, uống thuốc gồm kháng sinh và kẽm, Giang còn được tái tạo da bằng hóa chất.
Sau một tuần điều trị, da người bệnh hết viêm, sưng đỏ. Hiện, da của Giang đã láng mịn, còn ít vết thâm và được tiếp tục theo dõi.
Căn bệnh dễ khiến người mắc xấu hổ, tự ti
Theo Bệnh viện Da liễu TP.HCM, mụn trứng cá là bệnh da liễu rất phổ biến ở mọi độ tuổi và giới tính. Một người có thể bị nổi mụn ở nhiều giai đoạn của cuộc đời. Có nhiều loại mụn trứng cá, thường gặp nhất là mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn mủ, mụn dạng nốt nang (trứng cá mạch lươn)… Loại mụn này thường dễ mọc ở mặt, ngực, lưng.
Bác sĩ Bích đang điều trị cho một bệnh nhân bị mụn trứng cá. Ảnh: BVCC.
Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, mụn trứng cá thường xuất hiện ở tuổi dậy thì do thay đổi nội tiết tố (hormone giới tính androgen gia tăng), ảnh hưởng tới khoảng 95% thanh thiếu niên. Trong đó, tỷ lệ ở tuổi vị thành niên là 77% nam và 89% nữ. Nhiều người bị mụn trứng cá kéo dài khi trưởng thành. Ở người trưởng thành có 82% nam và 92% nữ bị mụn trứng cá.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), cho rằng, mụn trứng cá không chỉ là nỗi ám ảnh của nhiều thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì mà cả người trưởng thành. Bác sĩ Bích cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 lượt điều trị mụn hoặc các biến chứng của mụn. Phần lớn người bệnh nằm trong độ tuổi 12-35 và tới khám trong tình trạng mặc cảm, tự thấy bản thân kém hấp dẫn, xấu hổ, tự ti như trường hợp của Giang.
Bác sĩ Bích kể về trường hợp của Hoàng Diệp (16 tuổi, ở TP.HCM) cũng ngồi một góc khuất, luôn mang khẩu trang, đội mũ kín mít khi đến khám vì mụn trứng cá. Trước đó, vì tình trạng này, Diệp bị bạn bè trêu chọc khiến em không tập trung vào học tập và luôn từ chối tham gia các hoạt động ở trường. Sau quá trình điều trị, tình trạng của Diệp dần cải thiện.
Theo bác sĩ Bích, nguyên nhân khiến một người bị mụn trứng cá là do da tiết nhờn quá nhiều, tắc nghẽn nang lông do dầu và tế bào chết, da bị nhiễm khuẩn, chăm sóc da không đúng cách, thay đổi nội tiết tố, stress… Ngoài ra, khí hậu nóng ẩm gây đổ nhiều mồ hôi, sử dụng mỹ phẩm sớm hoặc không phù hợp với da, uống ít nước, hay thức khuya, ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt… cũng làm tăng nguy cơ bùng phát mụn.
Vì mụn trứng cá, trước đây Giang không dám để lộ mặt thật. Ảnh minh họa.
Một số sai lầm khiến mụn bùng phát mạnh hơn là lạm dụng mỹ phẩm, thuốc chứa corticoid, các sản phẩm trị mụn không rõ nguồn gốc. “Đặc biệt, thói quen tự nặn mụn, nhất là mụn mủ, nhọt, mụn đinh râu ở vùng chữ T (trán, mũi, cằm, miệng - nơi có nhiều mạch máu, dây thần kinh vùng sọ não) có thể gây phù, sưng mắt, méo mặt, nặng hơn là viêm tắc tĩnh mạch xoang hang não gây hôn mê, tử vong”, bác sĩ Bích chia sẻ.
Để giảm nguy cơ nổi mụn trứng cá, các bác sĩ da liễu khuyến cáo nên rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ không chứa dầu, luôn tẩy trang và làm sạch da trước khi đi ngủ, không sử dụng quá nhiều mỹ phẩm cũng như mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, người bệnh nên kiêng đồ ăn nóng, cay, ngọt; tránh thức khuya, căng thẳng và thường xuyên giặt vỏ gối, chăn, ga; đeo khẩu trang khi ra đường…
Trường hợp nổi mụn số lượng nhiều, nhất là mụn bọc, mụn nang và da tổn thương như sưng đỏ, có dịch mủ, đau nhức người bệnh cần sớm tới gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được đánh giá tình trạng và điều trị chuyên sâu.
“Chúng ta tuyệt đối không thực hiện các phương pháp trị mụn truyền miệng bằng đắp lá cây, rượu thuốc, kem trộn, kem lột da… hoặc sử dụng đơn thuốc của người khác vì loại da, tình trạng mụn, cơ địa của mỗi người khác nhau. Không có đơn thuốc nào phù hợp với tất cả mọi người. Tự điều trị có thể làm tăng nguy cơ bùng mụn và biến chứng nặng hơn”, bác sĩ Bích nhấn mạnh.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.