Cô gái 26 tuổi tẩy nốt ruồi, đi khám bác sĩ chẩn đoán bị ung thư
Triệu Mẫn năm nay 26 tuổi đến từ Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc). Triệu Mẫn có làn da trắng bóc, tuy nhiên ở bên má trái lại xuất hiện nốt ruồi màu đen, to như hạt đậu khiến cô rất tự ti. Triệu Mẫn cho biết, mụn ruồi này có từ nhỏ, càng lớn mụn ruồi phát triển càng to, còn nổi cục. Mỗi lần soi gương, nhìn thấy mụn ruồi khiến Triệu Mẫn rất ức chế và lúc nào cô cũng muốn tẩy nốt ruồi này đi.
Hai năm trước, Triệu Mẫn bắt đầu đi làm, sau khi nhận được tháng lương đầu tiên, cô lập tức đến trung tâm thẩm mỹ, sử dụng phương pháp dùng tia laser để tẩy nốt ruồi. Sau khi tẩy nốt ruồi xong, nhìn vào gương, Triệu Mẫn thấy làn da trắng trên khuôn mặt của mình không một chút tì vết, khiến cô vô cùng mãn nguyện.
Tuy nhiên, trải qua một năm sau khi tẩy nốt ruồi, phần má bên trái đúng chỗ tẩy nốt ruồi lại xuất hiện mụn ruồi màu đen. 6 tháng sau mụn ruồi này lại phát triển to như lúc ban đầu. Lần này, Triệu Mẫn lại quyết định tẩy nốt ruồi bằng tia laser.
Sau lần thứ 2 tẩy nốt ruồi, chỉ chưa đầy một tháng tiếp theo, mụn ruồi đen của Triệu Mẫn lại phát triển rất to, lần này mụn ruồi còn lồi ra, màu sắc biến đổi, đặc biệt vùng da xung quanh nốt ruồi mẩn đỏ và ngứa rát.
Triệu Mẫn thấy tình hình không tốt, cách đây vài tháng cô đã đến điều trị ở Khoa Da liễu của Bệnh viện Lý Tuệ Lợi. Bác sĩ Vương Giai Hoa, trưởng khoa Da liễu sau khi xem tình trạng bệnh của Triệu Mẫn, hoài nghi nốt ruồi của cô có khả năng biến đổi thành ung thư. Sau khi kiểm tra và phân tích kỹ bệnh lý, kết quả cho thấy đây là khối u hắc tố ác tính, chính là ung thư da, kiến nghị cần phải phẫu thuật.
Tại sao Triệu Mẫn tẩy nốt ruồi lại dẫn đến ung thư?
Bác sĩ Vương Giai Hoa cho biết, nốt ruồi của Triệu Mẫn thuộc về trạng thái "ngủ đông", nhưng cô nhiều lần dùng tia laser để kích hoạt nó, điều này đã dẫn đến ung thư. May mắn là biến đổi ung thư của Triệu Mẫn còn chưa xuất hiện nổi hạch, chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ và không cần xạ trị.
Bác sĩ Vương Giai Hoa nhắc nhở: "Sau nhiều lần tẩy nốt ruồi, có thể sẽ phát triển thành ung thư, vì vậy nốt ruồi ở trên mặt tốt nhất không được tùy tiện sử dụng phương pháp tẩy bằng tia laser, uống thuốc… Nếu dùng tia laser để tẩy mụn ruồi, nhiều nhất cũng không được vượt quá 2 lần".
Ngoài ra bác sĩ Vương Giai Hoa cũng nhấn mạnh: "Mụn ruồi ở trên cơ thể rất phổ biến, bình thường cũng không cần phải lo lắng quá nhiều. Mụn ruồi ở các bộ phận ma sát như lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở thắt lưng, đáy chậu… trên y học khuyên nên cắt bỏ để phòng ngừa nguy hiểm".
Bác sĩ Đỗ Trường Minh, trưởng khoa Da liễu của Bệnh viện Đông Tây y kết hợp thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô cho biết, nếu thấy những dấu hiệu nốt ruồi sau đây nên đến bệnh viện khám gấp.
10 dấu hiệu bất thường của mụn ruồi cảnh báo ung thư
1. Nốt ruồi thay đổi màu sắc
Nếu nốt ruồi có dấu hiệu thay đổi màu sắc như: màu có phần tối hơn, màu nâu, màu xám màu xanh, hoặc không pha trộn giữa các màu như đen, trắng, đỏ, hoặc hồng thì bạn cần chú ý tới bác sĩ thăm khám.
2. Nốt ruồi thay đổi về hình dạng, kích cỡ
Nếu nốt ruồi có chuyển biến về kích cỡ, hình dạng và chiều cao, thậm chí phát triển về kết cấu bề mặt thì bạn cũng cần phải tới bác sĩ thăm khám.
3. Nốt ruồi bỗng dưng mờ đi
Những nốt ruồi bình thường, sẽ không bao giờ mờ đi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu như một ngày mụn ruồi có xu hướng mờ đi hoặc không thường xuyên nhìn rõ các cạnh bên ngoài thì cũng cần phải cẩn trọng.
4. Nốt ruồi ấn gây đau
Bất kỳ nốt ruồi nào trên cơ thể mà khi ấn gây đau, nó được xem là đặc biệt nguy hiểm cần đến bác sĩ ngay lập tức để kiểm tra sớm. Nhất là các nốt ruồi có chất lỏng bên trong hoặc chảy máu.
5. Nốt ruồi phát triển về kích thước nhanh chóng
Những nốt ruồi lành mạnh không phát triển bất kỳ kích thước lớn hơn 6 mm chiều rộng. Nếu thấy có một nốt ruồi thường xuyên lớn dần về mặt kích thước thì nên đặt một lịch thăm khám bệnh để xác định xem có là bệnh ung thư không.
6. Nốt ruồi không đều nhau
Nốt ruồi lành mạnh thường có kích thước bằng nhau. Nếu thấy mụn ruồi này không đồng đều và không đối xứng mà có thể nhìn thấy được bằng mắt thường thì cũng cần phải thăm khám gấp.
7. Nốt ruồi bất chợt bị lở loét
Khi nốt ruồi bất chợt bị loét hoặc các vết loét này khá lâu lành mặc dù đã được gìn giữ sạch sẽ, hoặc đã được bôi thuốc nhưng vẫn không khỏi, cũng có thể ẩn chứa khả năng bị ung thư.
8. Nốt ruồi bị chảy máu hoặc có vảy trên bề mặt
Khi những mụn ruồi bỗng dưng sần, thô ráp, khô hoặc có vảy trên bề mặt, đặc biệt là nếu nó ngứa rát hoặc chảy máu thì cũng phải thăm khám ngay.
9. Cha mẹ anh em ruột có nhiều mụn ruồi
Nếu như trong gia đình có nhiều người có mụn ruồi và bạn cũng đang sở hữu nhiều nốt ruồi trên khắp cơ thể thì cũng nên phải đi khám sớm. Bởi nhiều trường hợp cơ thể nhiều nốt ruồi là do di truyền hoặc nguy cơ gia tăng bệnh tật nào đó.
10. Nốt ruồi lớn hơn kích cỡ 6 mm
Nếu các nốt ruồi có kích cỡ lớn hơn 6mm và các cạnh nốt ruồi mờ thì bạn đang có nguy cơ phát triển khối u ác tính. Do đó, bạn cần phải đến gặp bác sĩ để thăm khám gấp.