Đợt trước, tôi đi du lịch, được xếp ở chung phòng với một chị xấp xỉ tuổi hưu. Nhìn mớ quần áo đồ đạc mang theo, tôi đoán chị cũng không phải giàu có dư giả gì. Ngoài những dịp ăn uống tham quan theo chương trình ra, thì không thấy chị mua bán hay chi dùng gì thêm cả. Tôi càng đinh ninh là mình nghĩ đúng về mức kinh tế của chị.
“Nó ngang bướng không nghe lời mẹ, toàn tiêu pha lãng phí, phá của cha mẹ dữ lắm!”. Lời than của chị khiến tôi vừa thương vừa khó hiểu. Các con của chị chẳng còn ở độ tuổi chưa đủ trưởng thành, lẽ nào mẹ cứ phải chu cấp tiền bạc, sắp xếp mọi thứ như này? Để rồi bản thân chị chẳng có gì đáng giá ngoài mấy vật dụng rẻ tiền, và đi chơi cũng nơm nớp sợ tốn kém…
Thế nhưng, qua vài ngày giao tiếp, tôi mới ngỡ ngàng hiểu ra mình lầm. Chị đã tạo dựng được cơ ngơi mười mấy tỷ đồng, mua nhà cho hai đứa con gái ra riêng, và giờ vẫn còn “nặng nợ” với cậu con trai út.
Có hôm tôi giật mình thức giấc bởi tiếng chuông điện thoại của chị. Hai mẹ con chị tâm sự với nhau, và cô con gái lớn kia hình như đã bất chợt khuyên mẹ hãy sống cho mình nhiều hơn, yên tâm mà đi chơi, sao cứ phải tiết kiệm, ép mình ép xác cho khổ vậy.
“Mẹ cũng biết là nó lớn rồi, nó lại hư hỏng, nhưng làm sao mẹ đành bỏ mặc? Mẹ phải để dành cho nó, lỡ đâu mai này…”, nói rồi chị bật khóc.
Tôi nằm im lặng, không muốn chị biết bạn chung phòng đã tỉnh dậy, sợ chị ngại. Cảm thấy thương chị, thương những người đàn bà cả đời cắc củm tom góp để dành cho con.
Tôi dưng không nhớ về mẹ mình. Nhiều năm nay, chúng tôi dặn nhau, hãy mua cụ thể hoa quả bánh trái vật dụng cho mẹ, chứ đừng đưa tiền nữa. Bởi cứ mỗi dịp con cái biếu xén chút đỉnh, là mẹ lại cất riêng ra từng món, cho từng đứa.
Hỏi mẹ sao không xài đi, để dành chi vậy, mẹ bảo biết đâu mai này chúng nó cần. Tôi khuyên mãi, cả giận dỗi nữa, thì mẹ cũng vẫn giữ quyết tâm trích “phần trăm” lại, trong số vài khoản tiền be bé mà con cái thi thoảng gởi mẹ ăn quà. Dẫu nhà tôi chẳng thuộc diện chạy ăn từng bữa, mấy anh em tôi cũng đã ổn định lâu rồi…
Năm trước, tôi định mang mấy món trang sức của mình đi đổi lấy một chiếc nhẫn đính đá quý, có giá khá cao. Nhưng nghĩ tới lui, là như vậy bị lỗ chênh lệch mua bán, hơn nữa cũng lừng khừng vì muốn để dành mớ nữ trang ấy cho con gái lớn, mai này nó có sẵn mà dùng.
Mang ý nghĩ đó chia sẻ với con, tôi nhận lại được thái độ… phẫn nộ của nó. “Mẹ nghĩ gì lạ vậy? Mẹ phải tự biết chăm lo cho mình chứ, thích thì nhích, sao mẹ lại phải lăn tăn chuyện để dành? Chẳng lẽ con gái mẹ như vầy mà lớn lên không thể… tự kiếm ăn, tậu bông tai dây chuyền vòng lắc cho mình ư?
Mẹ… coi thường con quá đấy nhé! Con không thích mẹ như vậy đâu. Mẹ dạy con phải biết tự lập, yêu bản thân, mà coi mẹ kìa! Mẹ hư quá đấy nhé, từ rày về sau phải bỏ hẳn tư tưởng “để dành cho con” đó đi nghen, con không vui đâu…”.
Sau đấy, đích thân con gái đã “dẫn độ” tôi ra tiệm vàng để tiến hành “chuyện ấy”. Nó bảo, mai này con lớn, con sẽ đích thân sắm sửa cho hai mẹ con mình. Mẹ chờ con mua tặng mẹ cái “hột xoàn” to tướng, mẹ nhé.
Tôi vừa xúc động vừa mừng, hiểu là con mình đã dần trưởng thành, không có tâm lý ỷ lại, chờ đợi của cải cha mẹ mang cho. Đấy có lẽ cũng là suy nghĩ của một đứa con hiếu thảo, tự tin, và biết trân quý công sức của người sinh ra mình…