Bệnh huyết trắng là gì?
Huyết trắng là một chất dịch nhầy được tiết ra từ bộ phận âm đạo của phụ nữ, có nhiệm vụ bôi trơn, giữ ẩm và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể. Dịch nhầy có màu trắng, không có mùi hôi.
Tùy thuộc vào hàm lượng estrogene của mỗi người mà tính chất và số lượng huyết trắng sẽ khác nhau. Ở tuổi dậy thì, huyết trắng thường xuất hiện ít. Đến tuổi trưởng thành, khi buồng trứng đã phát triển hoàn thiện thì lượng huyết trắng sẽ nhiều hơn. Thời điểm rụng trứng, huyết trắng sẽ xuất hiện nhiều hơn bình thường.
Tuy nhiên, khi âm đạo bị viêm nhiễm hoặc mắc phải các bệnh liên quan đến cơ quan sinh sản, huyết trắng sẽ có những biểu hiện bất thường như: Xuất hiện màu trắng đục, vàng,... kèm mùi hôi cùng các triệu chứng ngứa ngáy.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thái Hà, Nguyên trưởng khoa khám bệnh bệnh viện Từ Dũ: "Bệnh huyết trắng là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ. Huyết trắng bình thường phải có màu trắng bình thường, không có mùi. Nếu khác cái màu trắng nghĩa là bất thường (màu vàng, màu xanh, màu mủ,,… đồng thời sẽ kèm theo mùi khó chịu, cảm giác ngứa rát".
Tùy vào mức độ bệnh huyết trắng mà có những cấp độ biểu hiện khác nhau. Ở mức độ nhẹ, huyết trắng sẽ bất thường, có màu sắc khác thường, ở mức độ nặng, sẽ có mùi hôi, ngứa ngáy khó chịu,… không thể làm việc hay tự tin. Nặng hơn, sẽ viêm đi lên tử cung, tiếp tục viêm đến 2 vòi trứng khiến phụ nữ không thể sinh nở; viêm tử cung, làm mủ vùng chậu, thậm chí phải mổ dẫn mủ, cắt tử cung,…
Nguyên nhân gây ra bệnh huyết trắng
Mắc bệnh huyết trắng do môi trường âm đạo thay đổi
Âm đạo vốn là khoang hở nên sẽ có sự tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Các hoạt động vệ sinh không cẩn thận, quá mạnh tay hay sử dụng các sản phẩm chăm sóc không phù hợp cũng khiến môi trường âm đạo thay đổi dẫn đến viêm nhiễm, khiến huyết trắng có mùi hôi, xuất hiện màu trắng đục, màu vàng,...
Một số nguyên nhân khác khiến môi trường âm đạo bị thay đổi và dẫn đến viêm nhiễm như: Lạm dụng thuốc đặt âm đạo, sử dụng kháng sinh lâu dài, thụt rửa âm đạo thường xuyên, giao hợp không an toàn,....
Đặc biệt, trong chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi môi trường có thể khiến hệ vi khuẩn trong âm đạo bị rối loạn, làm cho các vi khuẩn có hại phát triển, gây viêm nhiễm.
Mắc bệnh huyết trắng do nhiễm nấm Candida Albicans
Khi bị nhiễm nấm Candida Albicans, huyết trắng sẽ có màu trắng đục, dính từng mảng như váng sữa, đôi khi xuất hiện mùi hôi và triệu chứng ngứa ở âm hộ. Tuy nhiên, loại nấm này vốn sống cộng sinh trong cơ thể nên không gây bệnh. Trong một số trường hợp sử dụng kháng sinh lâu dài, thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen liều cao, đái tháo đường, có thai,... nấm sẽ phát triển và gây ra triệu chứng bệnh.
Mắc bệnh huyết trắng do nhiễm Trichomonas Vaginalis
Bệnh huyết trắng do nhiễm Trichomonas Vaginalis lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Khi mắc bệnh, huyết trắng có màu trắng xám, vàng hoặc xanh tùy theo mức độ bệnh. Trong trường hợp nặng, huyết trắng sẽ có bọt và mùi hôi, xuất hiện với số lượng nhiều và gây ngứa rát ở âm hộ.
Bệnh huyết trắng có nguy hiểm không?
Bệnh huyết trắng ở phụ nữ tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị đúng và dứt điểm sẽ rất dễ tái phát gây ra viêm phụ khoa mạn tính. Đây là tiền đề cho nhiều loại viêm nhiễm có thể gây tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh.
Việc điều trị bệnh huyết trắng kịp thời sẽ giúp chị em phòng tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm. Khi thấy huyết trắng có dấu hiệu bất thường, bạn nên khi khám để được bác sĩ thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị đúng đắn.
Đặc biệt, khi bị xuất huyết nhẹ sau khi giao hợp, huyết trắng có lẫn máu và mủ,... chị em nên nhanh chóng đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời. Đây là những dấu hiệu liên quan đến các bệnh về tử cung. Bác sĩ khuyên người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị hay sử dụng các loại thuốc lưu truyền trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc để tránh "tiền mất tật mang".
Để phòng tránh bệnh huyết trắng, chị em nên sử dụng các loại đồ lót với chất liệu vải thấm hút dễ dàng. Đồng thời, nên giặt đồ lót rồi phơi dưới ánh nắng mặt trời để diệt khuẩn. Nếu phơi đồ lót trong môi trường thiếu ánh nắng, nên là nóng trước khi mặc. Sau khi đi tiểu tiện hay quan hệ tình dục, nên vệ sinh âm đạo sạch sẽ và giữ vùng kín luôn khô thoáng.
Người bị bệnh huyết trắng nên ăn gì? Tốt nhất, bạn nên ăn nhiều rau xanh, sữa chua, thực phẩm giàu vitamin C và chất chống oxy hóa (tỏi, cam, chanh, nho,...) để giảm bớt các triệu chứng ngứa phụ khoa, ngăn ngừa viêm nhiễm nặng hơn.
Người bệnh huyết trắng nên kiêng ăn gì? Chị em bị bệnh huyết trắng nên kiêng bia rượu, thức uống chứa cồn và thực phẩm có quá nhiều dầu mỡ để tránh tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển.
Người bệnh huyết trắng tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị mà phải tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Nên dùng các loại đồ lót bằng loại vải dễ thấm hút, hạn chế chất liệu có thành phần nilon. Khi dùng giấy vệ sinh, nên lau từ trước ra sau. Nên giữ vùng kín khô và thoáng sau khi làm vệ sinh hay tắm rửa.