Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác quý I/2023 của Bộ Công an tổ chức vào ngày 28/3, ông Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, hiện các đối tượng đã sử dụng công nghệ Deepfake ứng dụng AI vào các mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, công nghệ Deepfake được dùng để giả hình ảnh, giọng nói của một người, rồi tương tác với bị hại. Khi chiếm được lòng tin của bị hại, các đối tượng yêu cầu bị hại thực hiện các giao dịch tài chính để lừa đảo, chiếm đoạt.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Trung tâm an ninh mạng, Công ty Cổ phần BKAV, Deepfake là công nghệ được biết đến nhiều nhất với tác dụng tái tạo lại khuôn mặt của người trong video nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ban đầu, công nghệ này được tạo ra với mục đích giải trí, giúp người dùng lồng khuôn mặt, giọng nói của mình vào các nhân vật yêu thích trên video mà vẫn đảm bảo hoạt động giống như được quay thực tế. Nhưng giới tội phạm đã lợi dụng để thực hiện các vụ lừa đảo, hoặc lan truyền tin thất thiệt trên mạng.
"Rất nhiều vụ lừa đảo ở Việt Nam và trên thế giới sử dụng công nghệ Deepfake. Kẻ xấu thường lợi dụng đối tượng là người già, phụ nữ, những người ít tiếp xúc với thông tin và công nghệ... để giả mạo người thân quen với mục tiêu chiếm đoạt tiền, tài sản", ông Cường nói.
Nhận diện video giả mạo
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Cường, dù là gương mặt thật, giọng nói thật nhưng vẫn có những dấu hiệu giả mạo mà người dùng nếu tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra. Video Deepfake có các dấu hiệu như chuyển động bị giật, thay đổi ánh sáng từ khung hình này sang khung hình khác, thay đổi tông màu da, chớp mắt một cách kỳ lạ hoặc hoàn toàn không chớp mắt, môi đồng bộ kém với giọng nói...
Do năng lực tính toán của các ứng dụng Deepfake chưa hoàn hảo nên clip do AI tạo nên thường có dung lượng nhỏ, thời gian ngắn, chất lượng âm thanh và hình ảnh không cao. Trong những clip đó, khuôn mặt nhân vật thường khá cứng và ít cảm xúc hơn tự nhiên, hình thể cũng hạn chế di chuyển so với clip thông thường. Vì vậy, nếu để ý kỹ có thể phát hiện ra được.
"Bạn không nên tin vào các clip có thời lượng ngắn, chất lượng clip thấp, nhòe, không rõ, khuôn mặt ít biểu cảm, giọng nói không trơn tru hoặc quá đều đều, không ngắt nghỉ", chuyên gia khuyến cáo.
Để có thể kiểm tra phía bên người gọi có sử dụng Deepfake AI để giả mạo trong những cuộc gọi video hay không, hãy yêu cầu họ quay mặt sang bên các góc 90 độ, thì còn có một phương pháp nhỏ đó là yêu cầu họ đưa tay trước mặt. Khi đưa tay lên khuôn mặt, sự chồng chéo của bàn tay và khuôn mặt khiến AI bị nhầm lẫn, thao tác này thường được gọi là "tạo mặt nạ" hoặc "xóa nền".
Để giữ an toàn cho bản thân trước nguy cơ Deepfake, người dùng tránh để tài khoản của bản thân trở thành mục tiêu cho hacker nhắm đến. Bên cạnh việc sao lưu thường xuyên, người dùng cần sử dụng mật khẩu mạnh và khác nhau cho các tài khoản, dùng phần mềm chống virus để ngăn kết nối bị tấn công. Không ghi nhớ mật khẩu ở các thiết bị điện tử, đổi mật khẩu thường xuyên và cẩn trọng với những đường link lạ.
"Để không thành nạn nhân của lừa đảo với công nghệ Deepfake là phải điều tra kỹ thông tin người đối diện, tốt nhất là nên gọi điện thoại trực tiếp nếu đột nhiên có nhờ vả chuyển tiền hay cung cấp thông tin", ông Nguyễn Văn Cường khuyên.