Lây nhiễm đến vòng thứ 5, nhiều ca bệnh dấu hiệu khó lường
Chỉ còn 5 ngày nữa TP.HCM hết “lệnh” giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, trong đó Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16, nhưng dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Các ca bệnh tiếp tục tăng, đặc biệt là những trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Thậm chí, theo thống kê tối 9/6 từ Bộ Y tế, số ca mắc mới tại TP.HCM còn vượt Bắc Giang. Tổng số ca toàn thành phố nửa tháng qua đã là 500, vượt Hà Nội và đứng thứ ba cả nước.
Liên quan đến ổ dịch từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, hiện có hơn 400 ca, lan khắp 21/22 quận, huyện và chưa có dấu hiệu dừng.
Mới đây, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận ca dương tính liên quan đến nhóm này đã là F5.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học Bệnh viện Nhi đồng 1, sở dĩ virus SARS-CoV-2 lây nhiễm đến vòng thứ 5 là do ổ dịch phát hiện muộn, đi xa tầm truy vết, chậm hơn so với sự lây lan của virus.
"Các biến chủng virus mới được biết có khả năng lây lan nhanh, người ủ bệnh 2 ngày đã có thể lây bệnh nên F0 ở ngoài càng lâu thì khả năng lây cho F1 và tiếp tục chuỗi lây nhiễm đến F5 cũng là dễ hiểu", bác sĩ Khanh cho biết.
Trong những ngày qua, nhiều chùm ca Covid-19 liên tục được công bố như: chùm 4 ca dương tính với nCoV ở hẻm 245 (khu Mả Lạng), Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Cả 4 bệnh nhân đều cùng một gia đình, có liên quan đến nhóm truyền giáo.
Chuỗi lây nhiễm mới liên quan chung cư Ehome 3, đường Hồ Ngọc Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, chỉ trong 4 ngày phát hiện 8 người dương tính.
Hay em học sinh lớp 8 trường THCS Trần Quốc Toản (phường Phước Long A, TP Thủ Đức) vừa được địa phương xác nhận tối 9/6. Trước đó, em có đến sảnh lớn của trường nhận phần thưởng cuối năm học, khoảng 15-15h44 ngày 27/5.
Đáng chú ý, trong số những ca bệnh được công bố hôm qua, TP phát hiện 8 người qua khám sàng lọc tại bệnh viện và cộng đồng. Hiện những ca bệnh này chưa rõ nguồn lây...
Gò Vấp chưa “dễ thở”
Nhóm truyền giáo Phục Hưng có địa điểm sinh hoạt ở đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp. Ổ dịch liên quan đến nhóm này được TP.HCM phát hiện ngày 26/5 và riêng tại Gò Vấp hiện có hơn 90 ca.
Khi đang thực hiện cách ly xã hội sang ngày thứ 9 thì Gò Vấp có ca tử vong đầu tiên.
Đây là bệnh nhân nữ, 57 tuổi, được xác định là người bán bánh mì trong một con hẻm trên đường Thống Nhất. Bệnh nhân tử vong trên đường chuyển từ BV Gò Vấp lên BV Bệnh Nhiệt đới để điều trị. Chồng của nữ bệnh nhân cũng được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân khởi phát bệnh từ ngày 1/6, bắt đầu với các triệu chứng sốt, ho, nhưng không đi khám mà tự mua thuốc uống rồi sau đó bệnh càng ngày càng nặng.
Hiện, ngành y tế chưa xác định được nguồn lây nhiễm của ca này và đang tích cực truy vết.
Quận Gò Vấp đang trải qua nhưng ngày rất khó khăn khi các ca lây nhiễm từ nhóm truyền giáo tiếp tục tăng.
Hôm nay, quận bước sang ngày thứ 10 cách ly xã hội; trong đó, có 40 điểm trong diện phải phong tỏa, nằm ở 14/16 phường.
Đây là địa bàn rộng gần 20 km2, có hơn 3.000 ngõ hẻm, gần 700.000 dân và giáp ranh với 4 quận đông dân khác là Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 12.
Sau những ngày cách ly ban đầu (từ 0h ngày 31/5) còn lúng túng, đến nay các chốt chặn ra vào quận tạm ổn định. Tuy nhiên, tình trạng người dân và các phương tiện ra vào quận vào giờ cao điểm còn đông, gây nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm soát, đôi khi làm ùn ứ giao thông phải thông chốt để giải tỏa.
Hiện ngoài 12 chốt kiểm soát phòng dịch tại các cửa ngõ chính ra vào, quận kết hợp với các quận giáp danh lập 26 chốt để kiểm soát các hẻm nhỏ.
Nhớ lại những ngày đầu đợt dịch thứ 4 mới bùng phát, Chủ tịch quận Nguyễn Trí Dũng bày tỏ: “Không thể hình dung được ca nhiễm từ điểm nhóm truyền giáo lại lây lan kinh khủng như vậy".
Chỉ 3 ngày kể từ khi phát hiện ca chỉ điểm, tối 29/5, TP.HCM ghi nhận 100 ca nhiễm, riêng Gò Vấp chiếm gần một nửa (47 ca). Khi TP quyết định, quận có chưa đầy 12 giờ để chuẩn bị.
Ca nhiễm Covid-19 “đe dọa” khu công nghiệp
Chiều 9/6, HCDC thông tin về một nữ công nhân dương tính với nCoV, làm việc tại Công ty Pouyen Việt Nam, thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Trường hợp này đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm vào tối 8/6 do tiếp xúc gần với người chồng mắc Covid-19.
Hai vợ chồng bệnh nhân cư trú tại hẻm 1E, đường số 6, Khu dân cư Nam Long, phường An Lạc, quận Bình Tân. Trước đó, chồng bệnh nhân có tiếp xúc với ca bệnh tại nơi làm việc.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với 65.000 lao động lập tức cho hơn 1.100 công nhân tạm nghỉ việc và lấy mẫu xét nghiệm. Các phân xưởng khác trong công ty được lấy mẫu gộp. Đồng thời, hàng trăm công nhân làm chung dây chuyền được đưa đi cách ly; làm cùng xưởng yêu cầu cách ly tại nhà.
Cũng chiều 9/6, một nữ công nhân của Công ty FAPV (thuộc nhà máy 3, khu chế xuất Tân Thuận, Q.7 với 7.400 công nhân) nghi nhiễm Covid-19.
Nữ công nhân này đến thử việc tại đây từ ngày 13-30/5. Đến ngày 31/5, do khu vực sinh sống (khu Mả Lạng) bị phong tỏa nên nữ công nhân này không đến công ty làm việc.
Cùng tại khu chế xuất Tân Thuận, có 1 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 là người làm việc tại Công ty Nidec Tosok có 2.704 công nhân.
Mỗi ngày qua đi, thêm ca mắc hoặc nghi nhiễm Covid-19 ở khu này, làm việc ở khu kia, ngành chức năng của TP.HCM lại tức tốc truy vết, phong tỏa, phun khử khuẩn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện, những người không có yếu tố dịch tễ nhưng có biểu hiện ho, sốt, đau họng, thay đổi vị giác… được lấy mẫu xét nghiệm nCoV.
Đồng thời, Sở đề nghị BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM chuyển đổi công năng chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19. BV huyện Củ Chi cũng nằm trong kế hoạch, sẵn sàng thành BV Điều trị Covid-19 với quy mô tối đa 500 giường.
Ngoài ra, TP cũng thành lập trung tâm cách ly tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7, ký túc xá Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và tại các khách sạn có thu phí.
Nhận định tình hình, ngành y tế cho biết, dù số ca bệnh vẫn tăng nhưng đang có dấu hiệu giảm dần, phần lớn phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Điều này cho thấy các chuỗi lây nhiễm đã từng bước được khống chế. TP kỳ vọng khống chế dịch sau 15 ngày giãn cách.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, tình hình các ca bệnh đang giảm dần, dù số lượng không nhiều, cho thấy thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh những ngày giãn cách xã hội.
“TP đang tập trung bằng nhiều hình thức để xúc tiến, tiếp cận mua vắc xin phòng Covid-19 với số lượng cao nhất, thời gian ngắn nhất”, ông Nên nhấn mạnh.