Đây là một trong những thông tin được đại diện Bộ Nội vụ báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM vào sáng 1-6.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chỉ là một điểm nhóm hoạt động chứ không phải hội thánh tôn giáo, chỉ đăng ký hoạt động ở cấp phường, xã. Người đứng đầu cũng không phải mục sư mà chỉ là người đứng đầu điểm nhóm.
Điểm nhóm này hoạt động được cấp phường đăng ký theo đúng quy định, hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, do tính chất truyền giáo nên sau khi xảy ra dịch bệnh và chủ quan của người đứng đầu điểm nhóm đã để lại hậu quả nghiêm trọng.
Cho đến nay, liên quan đến điểm nhóm này có 220 ca F0, hơn 2.500 F1 và hơn 61.000 người. F2. 11 địa phương trong cả nước có ca mắc Covid-19 liên quan đến người của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Dự báo, trường hợp F0 từ F1, F2 sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết hiện nay, toàn quốc có khoảng 5.500 điểm nhóm, riêng tại TP HCM có khoảng 145 điểm nhóm hoạt động như Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Những điểm nhóm này đa số hoạt động ở cơ sở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, những điểm nhóm này hoạt động độc lập, không phụ thuộc và lệ thuộc vào sự chỉ đạo của các tổ chức tôn giáo, do đó khó khăn trong tuyên truyền, vận động và kiểm soát.
Riêng Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có 60 tín đồ thì có 55 người đã là F0. TP HCM đã kịp thời xử lý, khởi tố vụ án. Dù vậy, Bộ Nội vụ đề xuất TP HCM nên chỉ đạo lãnh đạo phường 3, quận Gò Vấp đình chỉ hoạt động điểm nhóm này để phục vụ công tác điều tra, tùy tính chất vụ án để xử lý cao hơn, như có thể rút giấy phép hoặc xóa tên.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị TP HCM tăng cường rà soát lại các hoạt động ở những cơ sở thờ tự trên địa bàn.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công thương cho biết công tác điều tiết cung ứng hàng hóa phục vụ người dân TP HCM vẫn hoạt động theo phương châm 4 tại chỗ - 3 sẵn sàng, đảm bảo các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong gia đoạn dịch bệnh.
TP HCM hiện có 3 chợ đầu mối lớn. Tại 3 chợ đầu mối đã có kế hoạch tăng cường nhập hàng tăng 58% so với ngày thường.
TP HCM đã chủ động trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Trong tình huống xấu nhất, Bộ Công Thương sẽ phố hợp với các địa phương khác để kịp thời cung cứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không thiếu đối với người dân trên địa bàn TP HCM.
Bộ Công Thương đề xuất nếu có trường hợp cách ly xã hội như ở Gò Vấp vừa qua thì TP HCM cần thông báo đến các nhà phân phối để có kế hoạch đưa hàng đến.
TP HCM có nhiều trung tâm thương mại và siêu thị nhưng chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu của người dân, còn lại 70% tập trung ở các chợ đầu mối. Do đó, TP cần quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống dịch tại khu vực này.