Rạng sáng 8/9, một vụ ẩu đả giữa hai nhóm người tại chung cư Gold View (TP.HCM) khiến lực lượng an ninh của tòa nhà này phải rút súng (công cụ hỗ trợ) để thị uy, trấn áp.
Chung cư The Gold View bàn giao nhà cho cư dân vào cuối năm 2017. Được quảng cao là khu căn hộ chất lượng 5 sao, thế nhưng, từ đó đến nay chung cư này đã xảy ra nhiều vấn đề khiến cư dân bức xúc.
Tụ điểm ma túy, cờ bạc
Tháng 5 vừa qua, Công an phường 1, quận 4 đã bắt giữ 4 đối tượng tại căn hộ A2.14.12 ở chung cư này và phát hiện dưới sàn trong nhà vệ sinh có một gói nylon đựng 6 viên thuốc lắc dạng nén.
Theo phản ánh của các cư dân ở đây, vấn đề trật tự chung cư không được quản lý chặt chẽ, thường xuyên xảy ra tình trạng tổ chức mở nhạc, dùng chất kích thích gây ồn ào và ảnh hưởng đến an ninh khu chung cư, dẫn đến một số vụ xô xát ở xảy ra trong tòa nhà.
Trước đó, tháng 12/2018, Công an phường 1, quận 4 đã bắt giữ 9 đối tượng (8 nam, 1 nữ) tại căn hộ A3.33.01 đang đánh bài ăn thua bằng tiền. Số tiền đánh bạc thu giữ tại hiện trường là hơn 5,8 triệu đồng.
Sau quá trình điều tra, công an xác định Lê Hồ An (sinh năm 1994, ngụ phường 12, quận 6) và Võ Ngọc Dư (sinh năm 1992, ngụ xã Long Thới, huyện Nhà Bè) thuê căn hộ trên để tổ chức đánh bạc bằng bài Poker. Dư rủ bạn bè cùng tham gia sát phạt. An và Dư bị xử lý về hành vi tổ chức đánh bạc, các đối tượng khác bị xử lý về hành vi đánh bạc.
Cư dân tố TNR quản lý kém
Không chỉ vậy, cũng trong tháng 12/2018, hàng chục cư dân ở đây đã căng băng rôn phải đối chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Diêm Sài Gòn, đơn vị phát triển dự án là Công ty TNR Holding Việt Nam và đơn vị quản lý là Công ty Savills Việt Nam.
Băng rôn của của cư dân có nội dung "TNR cắt bớt thiết bị so với hợp đồng Goldview", "Phản đối TNR thu phí cao - quản lý tồi", “Yêu cầu chủ đầu tư cải thiện tình hình an ninh và an toàn phòng cháy chữa cháy”…
Hệ thống phòng cháy chữa cháy khu Goldview còn được phản ánh là kém chất lượng. Theo cư dân ở đây, chất lượng thiết bị báo khói, báo nhiệt vẫn chưa được thẩm định chất lượng, lỗi báo cháy giả xảy ra thường xuyên.
Bên cạnh đó, hệ thống camera ở đây không được trang bị đầy đủ, việc kiểm soát an ninh còn lỏng lẻo, thường xuyên xảy ra tình trạng tồn ứ rác sinh hoạt và rác công trình.
Ngoài ra, nhiều cư dân cũng tố chủ đầu tư ban giao căn hộ thiếu thiết bị và hạng mục so với hợp đồng, trong khi các tiện ích nội khu như nhà trẻ, trung tâm gym, trung tâm thương mại... chưa được đưa vào hoạt động.
Chủ đầu tư bí ẩn
Dự án The Gold View có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Diêm Sài Gòn (SGM). Dự án này được xây dựng trên chính trụ sở của SGM tại địa chỉ 364 Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM. Đây là doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhất trong kỳ tháng 6 tại TP.HCM, theo danh sách của Cục Thuế TP.
SGM tiền thân là nhà máy Diêm Bến Thủy (Vinh), ra đời vào những năm 20 của thế kỷ trước. Năm 1948, doanh nghiệp được Nhà nước tiếp quản và chuyển thành Nhà máy Diêm Hòa Bình trực thuộc Tổng công ty Giấy - Gỗ - Diêm. Đến năm 2004, SGM ra đời sau khi cổ phần hóa rồi chuyển đổi ngành nghề kinh doanh sang bất động sản.
SGM hiện có vốn điều lệ 720 tỷ đồng sau khi tăng vốn 400 tỷ đồng vào năm 2015. Theo nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 7, SGM có người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Cẩm Loan (sinh năm 1986) với chức vụ chủ tịch HĐQT. Tổng số lao động của công ty là 10 người.
Dự án The Gold View đến nay cũng là dự án duy nhất của SGM triển khai tại TP.HCM. Hiện SGM lại chuyển hướng Bắc tiến khi trúng thầu sơ tuyển ở hai dự án lớn tại tỉnh Lạng Sơn và Thanh Hóa với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.
Tại The Gold View, SGM hợp tác cùng Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR) và để doanh nghiệp này làm đơn vị quản lý và phát triển dự án. Đây là dự án dân cư đầu tiên của TNR khi nam tiến. Ngoài The Gold View, TNR đang vận hành một tòa văn phòng tại TP.HCM nằm ở đường Nguyễn Công Trứ, quận 1.
TNR là một thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG Việt Nam. TNG thành lập năm 1996, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực quản lý, phát triển khu công nghiệp, sau đó phát triển dần thành tập đoàn đa ngành. Ngoài các thương hiệu liên quan bất động sản, xây dựng, một công ty con của TNG hiện liên doanh với thương hiệu Family Mart của Nhật Bản, triển khai chuỗi cửa hàng tiện này tại Việt Nam.