Hai hôm nay tôi không ăn không ngủ được, cõi lòng đau đớn như bị xé nát thành từng mảnh nhỏ. Mọi chuyện bắt nguồn từ buổi chiều hai hôm trước, chồng tôi nhắn tin bảo rằng anh xin sếp về sớm, đã nấu cơm tối xong xuôi, tôi chỉ việc đi làm về là có thể ăn ngay.
Con tôi đang ở bên bà ngoại vì mấy ngày này tôi đi làm về muộn. Bố mẹ hai bên đều ở gần nhưng chúng tôi vẫn thuê nhà sống riêng bên ngoài. Tôi mừng thầm vì sự chu đáo tâm lý của chồng, thế nhưng khi về đến nhà mở cửa ra lại vắng tanh chẳng thấy bóng dáng anh đâu. Cứ ngỡ anh chạy ra ngoài mua gì đó, tôi vào bếp thì thấy mâm cơm chồng chuẩn bị được đậy lồng bàn ngay ngắn.
Tôi mừng thầm vì sự chu đáo tâm lý của chồng... (Ảnh minh họa)
Tôi mỉm cười mở ra xem, để rồi phải chết điếng khi nhìn rõ thứ bên trong. Bên trong có một đĩa thịt ba chỉ rang cháy cạnh, là món ăn tôi thích. Song bên cạnh đĩa thịt còn có một tờ đơn ly hôn chồng tôi đã viết và ký sẵn! Anh còn để lại cho tôi một mẩu giấy nhắn nhủ:
"Anh xin lỗi. Anh chỉ có một bố mẹ mà thôi, ông bà thì ngày càng già yếu, anh không đành lòng nhìn bố mẹ đau lòng thêm nữa. Em cứ yên tâm, anh vẫn sẽ gửi tiền chu cấp lo cho con đầy đủ. Anh thương em rất nhiều. Anh có lỗi với em và con em".
Tôi ngất lịm đi khi đọc những dòng chữ chồng để lại. Tôi hiểu nguyên nhân tại sao anh làm như vậy, không phải vì chồng tôi hết thương vợ hay có người khác. Mà bởi vì đứa con đầu lòng gần 3 tuổi của chúng tôi mắc căn bệnh tự kỷ.
Chồng tôi không ghét bỏ gì con đâu nhưng bố mẹ chồng thì lại rất bất mãn về tôi. Ông bà bảo tôi là người phụ nữ không biết đẻ, đến sinh con cũng chẳng nên hồn, để con bị bệnh. Chỉ có mình chồng tôi là con trai, họ sợ những đứa cháu tiếp theo cũng mắc bệnh.
Bởi vậy bố mẹ chồng muốn con trai ly hôn vợ để cưới người khác, có thể sinh được những đứa cháu khỏe mạnh cho ông bà. Chồng nói không phải lỗi tại tôi, anh đã nhiều lần bảo vệ vợ nhưng sau cùng chữ “hiếu” quá nặng, anh không thể làm trái ý cha mẹ đến cùng. Lúc này anh đã đưa ra quyết định ly hôn.
Tôi vẫn còn rất yêu chồng không muốn ly hôn. Đứa con đầu lòng đã vậy, tôi thương con khôn xiết, sẽ chăm sóc cho con thật tốt. Nhưng tôi đang nung nấu ý định bàn với chồng cùng sinh thêm bé thứ hai. Anh thương tôi nên tin là anh sẽ đồng ý.
Nếu em bé thứ hai của chúng tôi khỏe mạnh, bố mẹ chồng sẽ chấp nhận cho các con tiếp tục ở bên nhau. Vậy lần mang thai tới này tôi phải làm sao để phòng tránh căn bệnh đó cho con từ khi còn trong bụng mẹ?
Nếu em bé thứ hai của chúng tôi khỏe mạnh, bố mẹ chồng sẽ chấp nhận cho các con tiếp tục ở bên nhau... (Ảnh minh họa)
Cách phòng tránh bệnh tự kỷ khi con còn trong bụng mẹ
Tự kỷ là bệnh lý liên quan đến sự phát triển không bình thường về mặt cấu trúc hoặc chức năng của não bộ, biểu hiện thành những hành vi khi trẻ chưa được 3 tuổi.
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh rối loạn tự kỷ vẫn chưa được xác định một cách cụ thể nhất. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, yếu tố chính gia tăng nguy cơ mắc tự kỷ là do gen, môi trường hoặc kết hợp gen và môi trường.
Thống kê các trường hợp mắc tự kỷ cho thấy khoảng 25% nguyên nhân đến từ yếu tố gen. Có đến khoảng 1000 gen trong cơ thể biến đổi liên quan đến tự kỷ và hơn 100 gen làm gia tăng khả năng mắc chứng tự kỷ như: SHANK3, NLGN4, DLG2, RN3C2, DYRK1A,SCN2A,... các gen này biến đổi làm ảnh hưởng đến quá trình truyền dẫn thần kinh, nhất là thần kinh não.
Các yếu tố tác động trước và trong thời gian mang thai cũng có thể là nguyên nhân làm tăng khả năng dẫn đến căn bệnh tự kỷ. Để phòng tránh bệnh cho con, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý:
- Thay đổi môi trường sống, nơi làm việc lành mạnh, tránh xa những nơi ô nhiễm, nhiều hóa chất hay tiếp xúc với kim loại nặng… Bản thân mỗi người đều cần được sống trong một môi trường lành mạnh, trong lành, không chỉ riêng bà bầu.
- Kiểm soát sức khỏe thật tốt khi mang thai, tuyệt đối không tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào nếu không có chỉ định từ bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc giảm đau, thuốc an thần. Kể cả các loại thực phẩm chức năng, mẹ bầu cũng nên tham khảo dược sĩ, khám sức khỏe để biết bản thân thiếu hụt dưỡng chất nào mới bổ sung. Những người bị căng thẳng hay trầm cảm khi mang thai cần thông báo sớm cho bác sĩ để được chỉ định các nhóm thuốc phù hợp nhất.
- Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát dị tật khi mang thai. Thực tế không có biện pháp cụ thể nào hiện nay có thể tầm soát sớm nguy cơ trẻ bị tự kỷ, tuy nhiên việc kiểm tra sức khỏe sẽ giúp mẹ phát hiện được những vấn đề sức khỏe bất thường của bản thân và thai nhi, nhờ đó có hướng kiểm soát kịp thời.
- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực trong suốt thời kỳ mang thai. Để làm được điều này rất cần có sự hỗ trợ và quan tâm phù hợp từ gia đình, đặc biệt là người chồng. Bà bầu thường rất dễ cáu gắt nên người chồng cần thực sự kiên trì, chia sẻ và tâm sự hằng ngày để loại bỏ các tư tưởng không phù hợp, phòng tránh nguy cơ trầm cảm.
- Bổ sung chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, không sử dụng các thực phẩm bẩn. Nên ưu tiên ăn chín uống sôi, hạn chế lạm dụng quá nhiều dầu mỡ hay gia vị. Đặc biệt bà bầu cần tránh xa các chất kích thích, thuốc lá, đồ uống có cồn.
- Tiêm phòng đầy đủ cho mẹ trong suốt thời kỳ mang thai để phòng tránh tối đa các nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ.
- Nếu mẹ đang điều trị các bệnh lý hay dùng thuốc trong thời gian dài, tiếp xúc với các hóa chất nên đợi một thời gian mới mang thai để hạn chế các tác động không tốt đến sự phát triển của con.
- Hãy bắt đầu trò chuyện, đọc sách và cho con nghe nhạc ngay từ thời điểm còn trong bụng mẹ để tăng sự liên kết với con.
- Không nên mang thai ở độ tuổi quá lớn.