Nghị định 100/2019 thay thế nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.
Cụ thể, người đi xe đạp có nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt mức từ 400.000 - 600.000 đồng.
Đối với người đi ô tô, nếu sử dụng rượu bia mức phạt cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng và thu GPLX 2 năm.
Đối với xe máy trước đây cao nhất chỉ phạt 3 - 4 triệu nhưng hiện nay được nâng mức phạt lên 8 triệu và thu GPLX 2 năm.
Cư dân mạng truyền tay nhau bảng tổng hợp các lỗi vi phạm và mức phạt mới.
Ngay trong ngày đầu ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, có người chỉ vì uống hai chén rượu đã bị phạt tới 7 triệu đồng trong nỗi ngậm ngùi.
Cư dân mạng đang sục sôi trước mức phạt mới. Có cư dân mạng hóm hỉnh bày tỏ: "Cánh đàn ông "rét" cả rồi. Ra đường xe ô tô đi "ngoan" hơn hẳn. Không còn chuyện lấn làn, vượt đèn đỏ... Bởi phạt một lỗi đơn giản là đi ngay 4 triệu. Chưa nói lỗi lớn khác".
Chị em lên tiếng ủng hộ mức phạt mới dành cho lái xe uống bia rượu. Ảnh chụp màn hình.
Có thành viên lại cho rằng: "Mức phạt là đòn thức tỉnh anh em lái xe".
Điều đáng nói là rất nhiều người ủng hộ mức phạt "gắt" này lại là phái nữ. Thành viên nickname Thu Hà bày tỏ: "Ủng hộ phạt thật nặng cho chừa bia rượu khi ra đường. Cứ nghĩ đến ra đường gặp xe điên là kinh hãi".
Lái xe đạp "say xỉn" cũng bị phạt.
Chị Thanh Huyền, một dân văn phòng tại Hà Nội cho hay khi nghe tới mức phạt mới, chị khá giật mình.
"Bởi mức phạt nặng đồng nghĩa đánh thẳng vào túi tiền, kinh tế của từng gia đình. Của chồng, công vợ, chồng bị phạt thì vợ xót xa. Tiền nào cũng là tiền. Tuy nhiên, mức phạt rất nặng là biện pháp tốt nhất để tài xế phải có ý thức không uống rượu bia khi tham gia giao thông, tránh các tai nạn kinh hoàng như đã xảy ra", chị Huyền nói.
"Xử phạt nghiêm với những người có nồng độ cồn tiếp tục lái xe là món quà Tết có ý nghĩa và nhân văn nhất", một thành viên trên mạng xã hội thẳng thắn cho hay.