Bướu cổ có đáng lo?
Theo thống kê của Bộ y tế, ở các cơ sở khám chữa bệnh mỗi năm có khoảng 120 nghìn người đến khám và phát hiện bướu cổ.
Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân ở vùng miễn núi phía bắc mắc bướu cổ rất cao chiếm từ 30 đến 40% trong cộng đồng, có nơi lên tới 80%. Bệnh nhân khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 20 đến 30%.
Đến khám tại Bệnh viện đại học Y Hà Nội, chị Vũ Thị Hà (31 tuổi, đường Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội) được bác sĩ chẩn đoán có nhân xơ tuyến giáp. Điều này khiến chị lo lắng vì mẹ chị trước đây cũng bị ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, khi xét nghiệm bác sĩ cho biết đó chỉ là bướu cổ lành tính nên chị cũng đỡ lo lắng hơn.
Theo PGS Tạ Văn Bình, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương bệnh bướu cổ lành tính không phải là bệnh hiếm gặp và bệnh không quá nguy hiểm. Vì thế, những bệnh nhân có bướu cổ không cần quá lo lắng vội vàng đi mổ.
PGS Bình kể hầu như ngày nào đi khám ông cũng gặp bệnh nhân bị bướu cổ và đã mổ sau đó 2,3 năm thậm chí 5,6 năm lại mọc lại bướu khiến họ rất lo lắng.
Như trường hợp của chị Hoàng Thị Thu Phương (35 tuổi, trú tại Hà Nội). Chị Phương đã mổ bướu cổ năm 2009 và đến năm 2015 chị mổ lần hai. Hiện tại, bướu cổ lại tiếp tục mọc lên và phát triển to như đầu ngón chân cái ở cổ khiến chị rất mệt mỏi.
Chị Phương cho biết chị đã đi khám tại Bệnh viện Nội tiết, bác sĩ lại tư vấn mổ. Chị Phương sinh thiết nhưng khối u lành tính và lần này chị muốn điều trị nội khoa thay vì liên tiếp mổ.
Cũng giống chị Phương, bà Nguyễn Thị Minh (61 tuổi, Hà Nội) đã 2 lần mổ bướu cổ và đến nay bướu cổ tiếp tục tái phát khiến bà Minh lo lắng. Bà Minh đã đi khám ở tuyến dưới bác sĩ chỉ định mổ. Tuy nhiên, bà Minh e ngại và muốn lên tuyến trên mổ vì sợ tái phát.
Gặp những bệnh nhân này, PGS Bình cho biết nếu lành tính thì không cần mổ. Kết quả sinh thiết chỉ là u nhân hỗn hợp, bệnh nhân có thể chọc hút dịch khi bướu to còn lại vẫn sống chung với nó bình thường không cần phải phẫu thuật vì khả năng 90 % phẫu thuật bướu cổ sẽ mọc lại.
Khi nào nên mổ?
Rất nhiều người sau khi bị bướu cổ lần đầu gặp bác sĩ, được tư vấn nhưng họ vẫn nằng nặc xin mổ vì muốn trị dứt điểm bướu cổ. PGS Bình cho rằng điều này hoàn toàn không cần thiết thậm chí mổ còn gây hại vì có thể mất chức năng tuyến giáp người bệnh phải bổ sung thuốc tuyến giáp suốt đời còn mệt mỏi hơn là có cái bướu ở cổ.
Lý giải vì sao bướu cổ cắt đi lại mọc trở lại, PGS Bình cho biết sau phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp, do nhu cầu cơ thể đòi hỏi lượng hormone tuyến giáp bù đắp nên tuyến giáp phải tái tạo lại và sinh u tiếp.
Một vài trường hợp không lấy hết các nhân u nhỏ và chỉ cắt được phần u lớn và u nhỏ tiếp tục phát triển. Chính vì thế, việc cắt bướu cổ lành tính không thể điều trị triệt để được bệnh như nhiều người mong muốn.
Theo PGS Bình, bị bướu cổ khi bác sĩ chỉ định mổ là những người bướu lành gây chèn ép khó thở, khó nuốt do chèn vào đường thở hoặc thòng vào lồng ngực hoặc lồi ra trước cổ gây mất thẩm mỹ.
Trường hợp ung thư hoặc nghi ngờ ung thư - bướu tuyến giáp ác là loại ung thư gây xâm lấn các cơ quan xung quanh, nhất là dây thần kinh hồi thanh quản sẽ gây khàn tiếng, hoặc khi bướu di căn sẽ gây tổn thương gan, phổi, xương, não… sẽ được chỉ định mổ.
Tuy nhiên, chỉ định mổ này cũng rất sát sao và chính xác theo từng đặc điểm bướu tuyến giáp có thể là cường giáp hoặc thiểu giáp.
Trong trường hợp, bệnh nhân bị bướu basedow là bướu cổ do cường chức năng tuyến giáp và gây ra hiện tượng nhiễm độc giáp thì tuyệt đối không được chỉ định phẫu thuật. Nhất là những bệnh nhân đang trong đợt nhiễm độc giáp tiến triển. Nếu muốn phẫu thuật cũng phải chuẩn bị chu đáo điều trị nội khoa trước.