TS.BS Phùng Đức Lâm - Trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) cho biết, không khí lạnh kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tại bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, tình trạng nhập viện vì đột quỵ não do thời tiết lạnh gia tăng khoảng 20%. Đặc biệt, đột quỵ não xuất hiện cả ở những người trẻ với các triệu chứng mơ hồ dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý khác.
Bác sĩ Lâm cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp điển hình tên tên V.V.L (27 tuổi). Sau khi tắm 10 phút, anh L thấy thị lực giảm nhẹ, khuyết tầm nhìn mắt phải, kèm tê bì mặt và nửa người phải.
Ngay sau đó, anh L đã được người nhà đứa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thăm khám, kết quả thị lực mắt phải 8/10 (bán manh đồng danh), soi đáy mắt và mắt trái bình thường, chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy hình ảnh nhồi máu não mới thuỳ chẩm bên trái.
Ngay khi có kết quả khám, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp điều trị thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh. Sau khi tiêm xong thuốc tiêu sợi huyết 1 giờ, tình trạng mắt của người bệnh đã cải thiện 70% biểu hiện bán manh. Sau 3 ngày điều trị, mắt của người bệnh đã phục hồi hoàn toàn
Nam bệnh nhân đến viện sớm nên đã được điều trị hồi phục hoàn toàn. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Phùng Đức Lâm cho biết, đột quỵ là một căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Tại Việt Nam, rất ít trường hợp đến viện trong khoảng thời gian vàng (trong 6 giờ đầu), vì thế bệnh thường nặng gây biến chứng hoặc tử vong.
Theo bác sĩ Lâm, đột quỵ xảy ra khi mạch máu trong não bị tắc nghẽn hoặc vỡ khiến khả năng cung cấp oxy và dưỡng chất cho các tế bào não bị mất đi. Khi đó các tế bào này sẽ bị tổn thương hoặc chết, dẫn đến các triệu chứng như mất khả năng nói, di chuyển hoặc cảm nhận,… Như anh V.V.L còn rất trẻ, có những triệu chứng bệnh lí không rõ ràng, nhưng đã đến bệnh viện sớm và được phát hiện, can thiệp kịp giờ vàng nên tránh được những biến chứng đáng tiếc do đột quỵ gây ra.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Lâm khuyến cáo, đột quỵ thường gia tăng khi trời lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Khi trời lạnh, catecholamin trong máu tăng khiến mạch máu co lại, từ đó làm tăng áp lực trong lòng mạch dẫn đến tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Tình tạng này cũng làm thay đổi nồng độ một số thành phần đông máu như: tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và tăng độ nhớt của máu… khiến tăng tình trạng đông máu, dễ hình thành cục máu đông hơn. Các cục máu đông sẽ bít tắc lòng mạch gây ra đột quỵ não, đột quỵ tim như nhồi máu cơ tim.
Trời lạnh cộng với việc tắm không khoa học và hợp lý có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa.
“Nếu như trước đây đột quỵ não thường gặp ở những người trên 60 tuổi thì hiện nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ là: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Bên cạnh đó, hút thuốc, stress nặng cũng có thể dẫn tới đột quỵ.
"Để phát hiện sớm đột quỵ, mọi người cần hiểu rõ các triệu chứng khởi phát bệnh như: Méo miệng, nói ngọng, tê yếu tay chân, mất thăng bằng, nhìn mờ… Khi phát hiện những biểu hiện này, cần khẩn trương đưa người bệnh tới bệnh viện điều trị đột quỵ não, kịp “giờ vàng” để cứu tính mạng”, bác sĩ Lâm khuyên.
Để phòng tránh đột quỵ khi trời lạnh, bác sĩ Lâm tư vấn:
- Cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh;
- Nên ngủ trong phòng kín gió, luôn giữ đủ ấm cho cơ thể;
- Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt, vì vậy buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động nhẹ để làm nóng cơ thể, thích ứng với thời tiết bên ngoài, không nên xuống giường ngay khi vừa thức dậy;
- Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh; Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh.
Bên cạnh đó, mọi người cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe, nếu phát hiện huyết áp cao, đái tháo đường,… cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.