Nội dung bài viết:
Những nguyên nhân thường gặp làm đầu lưỡi bé có đốm đỏ
Đầu lưỡi trẻ có chấm đỏ là một tình trạng không hiếm, có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào. Sau đây là những nguyên nhân thường gặp nhất, bố mẹ không nên bỏ qua.
Sưng viêm lưỡi
Trẻ không may bị bỏng lưỡi do ăn thức ăn nóng hoặc vô tình cắn phải lưỡi cũng có thể dẫn đến sưng viêm và xuất hiện các chấm đỏ trên đầu lưỡi hoặc toàn bộ lưỡi.
May mắn là những chấm này sẽ nhanh chóng biến mất và lưỡi cũng sẽ tự hồi phục sau một thời gian ngắn mà không cần điều trị gì đặc biệt.
Thiếu vitamin hoặc thiếu máu
Thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B-12 cũng là một trong những nguyên nhân làm đầu lưỡi của bé có chấm đỏ. Nếu trẻ rơi vào trường hợp này, bạn chỉ cần cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B12 là được, chẳng hạn như: Sò, gan, cá thu, tôm, cua, các loại đậu, trứng, sữa…
Ngoài ra, có một sự liên kết giữa bệnh thiếu máu và biểu hiện đầu lưỡi trẻ có đốm đỏ. Triệu chứng thường gặp đầu tiên của bệnh thiếu máu đó là: Lưỡi có chấm đỏ, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt…
Nhiễm trùng
Một trong các nguyên nhân phổ biến nhất khiến đầu lưỡi trẻ có chấm đỏ đó là do nhiễm trùng, bao gồm: Viêm họng, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm amidan…
Phát ban đỏ nhẹ có thể xuất hiện trên ngực và cổ trước khi lan sang các bộ phận khác như: Lưỡi, môi, mũi… Chúng xuất hiện rất nhiều, nhỏ li ti và trông khá đáng sợ. Các triệu chứng khác bao gồm: Sốt, đau họng, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi…
Bệnh tay chân miệng
Đây là một bệnh truyền nhiễm phổ biến đối với trẻ dưới 5 tuổi, thường hay xuất hiện vào mùa hè.
Bệnh này không chỉ gây ra các đốm đỏ trên lưỡi mà còn bên trong má, nướu và cả tay, chân, mông…
Những đốm đỏ này có thể phồng rộp và lở loét, gây đau và khó chịu cho trẻ.
Dị ứng
Cơ thể con người rất kỳ lạ, có những người bị dị ứng với thứ này, có người lại bị dị ứng với thứ khác, từ thực phẩm cho đến lông động vật, thuốc, hóa chất…
Các phản ứng dị ứng rất đa dạng, một trong số đó là sưng lưỡi và xuất hiện các chấm đỏ trên đầu lưỡi.
Trào ngược axit
Khi thức ăn bị trào ngược từ dạ dày ra bên ngoài qua đường miệng, nó có thể gây ra các vết sưng trên lưỡi giống như các chấm đỏ.
Đó là do thức ăn trong dạ dày đang được tiêu hóa lại bị trào ngược ra, không chỉ là thức ăn mà còn là các axit tiêu hóa, chúng có thể gây kích ứng lưỡi nếu như trẻ thường xuyên nôn mửa sau khi ăn.
Bệnh Kawasaki
Đây là một căn bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em dưới 5 tuổi. Triệu chứng của bệnh bao gồm: Sốt, sưng bàn chân và lòng bàn tay, sưng lưỡi, nứt môi, phát ban đỏ ở ngực, bộ phận sinh dục và ở bụng, mắt đỏ nghiêm trọng…
Bệnh này nếu không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng như : Viêm mạch máu, rối loạn nhịp tim…
Những nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân phổ biến kể trên, đầu lưỡi trẻ có chấm đỏ còn có thể do những nguyên nhân sau (ít gặp hơn):
Ăn quá nhiều thức ăn cay.
Bệnh suyễn.
Bị nhiệt.
Nấm miệng.
Viêm lưỡi bản đồ - Nguyên nhân xuất hiện chấm đỏ ở đầu lưỡi
Những đốm đỏ ở đầu lưỡi có thể là dấu hiệu của bệnh viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em, một căn bệnh tưởng chừng như đáng sợ nhưng lại là một bệnh lành tính và hoàn toàn có thể điều trị được.
Bệnh viêm lưỡi bản đồ (geographic tongue) là tình trạng trên bề mặt của đầu lưỡi và hai bên lưỡi xuất hiện hình thái giống như bản đồ. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở những vị trí khác của miệng. Về cơ bản thì đây là bệnh lành tính, không có liên quan đến nhiễm trùng hay ung thư. Bệnh này còn có tên gọi khác là bệnh viêm lưỡi di chuyển lành tính và ban đỏ di chuyển.
Thông thường, trẻ bị bệnh thường không cảm thấy quá khó chịu. Bệnh trải qua các giai đoạn từ nhẹ đến nặng, có thể tự khỏi và không để lại biến chứng, thời gian lành bệnh có thể từ vài ngày thậm chí vài tuần và bệnh có thể tái phát lại.
Tuy nhiên, do bị viêm làm lưỡi của bé có thể bị nứt và gây cảm giác khá đau đớn. Đây là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em nên bạn cần tìm hiểu để giữ gìn sức khỏe cho con.
Triệu chứng chính của viêm lưỡi bản đồ
- Xuất hiện các mảng màu xám trắng trên lưỡi.
- Sưng, sau đó ảnh hưởng tới các vùng biểu mô.
- Xuất hiện của các đốm màu đỏ hoặc hồng đa dạng về kích thước và hình dạng ở đầu lưỡi hoặc toàn bộ lưỡi.
- Ở những vùng xảy ra hiện tượng bong tróc, có những nhú giống như nấm. Hiếm khi xuất hiện chỉ ở một dạng duy nhất mà thường có ở các phần khác nhau của lưỡi.
Những triệu chứng khác có thể xảy ra:
- Khó chịu khi nói, phát âm
- Thay đổi sự nhạy cảm của lưỡi hoặc thay đổi vị giác
- Suy giảm sức khỏe tổng trạng
- Khó khăn trong việc nhai và nuốt thức ăn
- Nổi các hạch bạch huyết gần kề.
- Đôi khi xuất hiện cảm giác nóng rát, ngứa, tê vùng lưỡi
- Lưỡi tăng kích thước do nhiều ổ viêm và bong tróc vảy
Nguyên nhân gây viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em
Danh sách những nguyên nhân và yếu tố gây nên viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em vẫn chưa được biết rõ. Nhiều chuyên gia cho biết viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em có liên quan đến một số nhóm bệnh phổ biến của cơ thể và những yếu tố khác:
Cung cấp không đầy đủ chất: Việc cung cấp không đủ chất dinh dưỡng cho các mô tế bào gây nên viêm lưỡi di chuyển lành tính.
Viêm da cơ địa: Một số trẻ em có xu hướng mắc các bệnh viêm da và niêm mạc. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của nhiều bệnh ở trẻ, trong đó có viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em.
Bệnh do thiếu hoặc rối loạn quá trình trao đổi chất các vitamin nhóm B:
- B1 – thiếu vitamin B1: Gây rối loạn hoạt động bình thường của các hệ thống chính trong cơ thể như tiêu hóa, thần kinh và tim mạch.
- B2 – thiếu vitamin B2: Gây ra những thay đổi và tổn thương niêm mạc, lưỡi, môi và miệng với đặc tính viêm như chảy máu, viêm lưỡi, nứt, rát.
- B6 – thiếu vitamin B6: Đây có là nguyên nhân gây ra một loạt các tổn thương da như các vết thương, vết nứt và trầy xước không lành trong một thời gian dài.
Nhiễm các loại virus.
Một số bệnh của khoang miệng, ví dụ như bệnh lưỡi bẩm sinh.
Cách điều trị bệnh viêm lưỡi bản đồ
Có nhiều lựa chọn điều trị bệnh viêm lưỡi bản đồ, tùy thuộc vào mỗi người và mỗi trường hợp cụ thể. Cách điều trị cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bệnh viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em là do các bệnh khác gây ra thì cần phải can thiệp và xử lý căn bệnh đó trước để loại bỏ nguyên nhân, nhờ đó bệnh sẽ thuyên giảm.
Dưới đây là một số biện pháp khắc phục và điều trị triệu chứng của viêm lưỡi bản đồ ở trẻ em, áp dụng cho mọi dạng viêm lưỡi bản đồ do bất kì nguyên nhân nào.
Bảo vệ khoang miệng: Nhận biết và điều trị sâu răng, loại bỏ các mảng cao răng, thực hiện vệ sinh toàn diện khoang miệng bằng các biện pháp chuyên dụng cũng như thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên.
Dùng thuốc và vệ sinh bằng dung dịch kiềm: Để duy trì sự cân bằng nội bộ và tăng cường khả năng bảo vệ của cơ thể, bạn nên dùng vitamin tổng hợp. Sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh, hãy vệ sinh bằng dung dịch kiềm. Khi xuất hiện các triệu chứng như ngứa, đau và khó chịu khác, bạn có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau ở vùng bề mặt niêm mạc lưỡi bị tổn thương.
Đưa trẻ đi khám để điều trị viêm lưỡi bản đồ: Đưa trẻ tới khám bác sĩ và điều trị bệnh viêm lưỡi bản đồ ngay từ khi mới phát hiện những triệu chứng có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tổng kết lại, đầu lưỡi trẻ có chấm đỏ có thể do rất nhiều nguyên nhân, mức độ có thể từ nặng tới nhẹ và hoàn toàn có thể điều trị được. Quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm để điều chỉnh kịp thời, tránh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.