Những ngày qua, sự việc cô gái tên Hà (15 tuổi) bị yêu cầu rời nơi nhận phần quà hỗ trợ tại cây ATM gạo ở quận Tân Phú, TP.HCM khiến nhiều người thương cảm.
Sự việc dấy lên nhiều ý kiến xoay quanh chương trình phát gạo cũng như hoạt động từ thiện giúp người khó khăn mùa dịch bệnh.
Sẵn sàng nhận cô bé vào làm việc
Ngày 22/4, anh Hoàng Tuấn Anh - "cha đẻ" mô hình ATM gạo nói với Zing đã nắm được sự việc đáng tiếc này sau khi xem trích xuất camera tại điểm phát gạo.
"Đối với những người trẻ đến nhận gạo, ngoài việc để họ xếp hàng nhận hỗ trợ, chúng tôi đều có lực lượng đến thăm hỏi, chia sẻ và sẵn sàng tạo điều kiện làm việc để họ có thu nhập thay vì chỉ phát 1, 2 túi gạo. Hiện bên tôi có khoảng 10 nhân sự được nhận theo hình thức này, lương bình quân 6 - 7triệu/tháng bao ăn uống 2 bữa/ngày", anh cho biết.
Đối với trường hợp cô bé bị từ chối, khi sự việc xảy ra, phía ATM gạo chưa kịp trao đổi thì em đã lên xe ra về, kèm theo việc bị một số người ghi hình một đoạn hình ảnh rồi phát tán lên mạng.
Hiện phía anh Tuấn Anh đang nỗ lực liên hệ với Hà để gửi lời xin lỗi. Nếu cô bé đồng ý và có sức khỏe phù hợp có thể đến công ty anh làm việc, gắn bó lâu dài ngay cả sau khi tình hình dịch bệnh ổn định.
Bên cạnh đó, anh Tuấn Anh khẳng định phía anh không hề có các phát ngôn về việc phân biệt, kỳ thị những người đến nhận gạo.
"Ngay từ khi triển khai mô hình phát gạo, chúng tôi đã xác định không có chuyện phân biệt, đánh giá mọi người đến nhận hỗ trợ qua hình thức bên ngoài. Có thể nhiều người bình thường thu nhập cao, 15 - 20 triệu/tháng nhưng do dịch bệnh nên mất việc, nếu không có tiền tiết kiệm sẽ gặp nhiều khó khăn", anh chia sẻ.
Anh Tuấn Anh cũng nhận định để xảy ra sự việc đáng tiếc vừa rồi một phần do nhân viên các cây ATM gạo gặp nhiều áp lực khi phải làm việc liên tục nhiều tiếng trong một ngày để phục vụ hàng nghìn người dân, dẫn đến khả năng xử lý không được khéo léo, tế nhị.
"Tôi rất lấy làm tiếc về điều này và nhận lỗi về mình vì đã quản lý chưa tốt", anh bày tỏ.
Từng nghĩ tới việc dừng phát gạo vì áp lực
"Cha đẻ" mô hình ATM gạo cũng cho biết từng có suy nghĩ dừng chương trình hỗ trợ gạo cho người dân sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra.
"Khi các clip được chia sẻ trên mạng, tôi đang công tác ở miền Tây liền trở về TP.HCM gấp. Nói chuyện với các nhân viên, nhiều bạn cũng thấy nản chí, buồn vì công sức, nỗ lực những ngày qua sau việc này lại nhận bao chỉ trích", anh nói.
Không chỉ vậy, nhiều nhân viên không liên quan đến sự việc còn bị các đối tượng xấu tấn công, phát tán thông tin cá nhân và nhắn tin đe dọa.
Chính người nhà anh Tuấn Anh cũng bị nhiều người nhắn tin dọa nạt, chửi bới. Hiện anh đã gửi các thông tin liên quan đến cơ quan chức năng để xử lý.
Dù áp lực song nhờ hàng trăm tin nhắn động viên, khích lệ từ dân mạng và các mạnh thường quân, anh và mọi người lại có thêm động lực để tiếp tục hoạt động thiện nguyện.
Để tránh sự việc tương tự xảy ra trong thời gian tới, anh Tuấn Anh cho biết đã nhắc nhở các nhân viên nâng cao tinh thần làm việc, bổ sung các tình nguyện viên hỗ trợ công việc.
Bên cạnh đó, nhân viên sẽ hạn chế dùng loa, mic nói chuyện để tránh gây hiểu lầm, thời gian nhận gạo sẽ không phát liên tục 24/24 mà chia thành 2 ca 6h đến 12h và 13h đến 18h hàng ngày để giảm căng thẳng, áp lực công việc…
Các nhân viên, tình nguyện viên làm việc nhiều giờ mỗi ngày để hỗ trợ người dân nhận gạo. Ảnh: FBNV.
"Hiện mô hình ATM gạo vẫn được nhân rộng tại nhiều tỉnh thành. Hy vọng hoạt động này sẽ giúp đỡ người dân khó khăn phần nào, không chỉ trong thời gian dịch bệnh mà khi có thiên tai, lũ lụt sau này", anh chia sẻ.
Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh là người đầu tiên thực hiện mô hình máy ATM gạo cho người nghèo từ giữa tháng 4 tại quận Tân Phú (TP.HCM), khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, ngừng các hoạt động buôn bán không thiết yếu để tránh lây lan virus.
Với mục đích ý nghĩa và cách làm sáng tạo, những chiếc máy phát gạo miễn phí được nhiều tờ báo, hãng thông tấn quốc tế như Reuters (Anh), CNN (Mỹ), NHK (Nhật Bản), EFE (Tây Ban Nha) dành lời khen ngợi.
Hiện, các máy “ATM gạo” đã được lắp đặt thêm ở nhiều địa điểm trong thành phố. Mục tiêu của anh Tuấn Anh và cộng sự là hoàn thành 100 máy để lắp đặt từ Bắc vào Nam. Mô hình này cũng được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước áp dụng như Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, Hải Phòng.