Bé trai Abdullatif Shekrak, đến từ Aleppo, Syria, sinh ra với hai đầu do mắc dị tật Encephalocele (não nằm ngoài hộp sọ) đã sống sót kỳ diệu sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 3 tiếng ở Bệnh viện Phát triển Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ. Ca phẫu thuật được tiến hành nhằm loại bỏ “đầu thừa” chiếm đến 1/3 trọng lượng cơ thể bé.
Cô Sana Hilel phát hiện đứa con thứ 7 sắp chào đời của mình bị nhiễm vi khuẩn bifidus (gây ra dị tật Encephalocele). Đây là một tình trạng hiếm gặp khi hộp sọ của trẻ không được hình thành đúng cách trong lúc mang thai, khiến một số bộ phận của não - được gọi là màng bao phủ - hình thành bên ngoài hộp sọ trở thành “cái đầu thứ hai”.
Nhận ra việc sinh bé tiềm ẩn nhiều rủi ro, bà mẹ 37 tuổi đã quyết định sang Thổ Nhĩ Kỳ tới Bệnh viện của Đại học Mustafa Kemal để được bác sĩ thăm khám. Sau ca sinh mổ đầy nguy hiểm, em bé nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Phát triển Iskenderun để một chuyên gia phẫu thuật não, thần kinh và cột sống loại bỏ “cái đầu thứ hai” của bé.
Ca phẫu thuật cho bé Abdullatif 3 ngày tuổi kéo dài 3 tiếng và rất khó khăn. Sau phẫu thuật, bé được chăm sóc đặc biệt và sau 8 giờ theo dõi, bé đã có thể tự thở. “Đầu thứ hai” của bé nặng gần 1 kg, chiếm khoảng 1/3 tổng trọng lượng cơ thể bé.
Tiến sĩ Mehmet Koparan, người thực hiện ca phẫu thuật, cho biết những hợp nghiêm trọng như vậy thường gây tử vong.
Ông cho biết: “Nói chung, dị tật Encephalocele chỉ xảy ra với xác suất 1/5.000 trẻ. Các trường hợp này thường gây chết người. Đây là một ca rất nguy hiểm. Tất nhiên cuộc phẫu thuật rất phức tạp do liên quan đến mô não. Một sai sót nhỏ trong phẫu thuật có thể gây chết người vì suy hô hấp và tràn dịch não”.
Tiến sĩ Koparan cho biết cậu bé đã được xuất viện và ông hy vọng bé sẽ có một cuộc sống bình thường. Ông nói thêm rằng, trường hợp não nhiễm vi khuẩn bifidus có nhiều khả năng xảy ra do tuổi tác lớn của người mẹ và vấn đề dinh dưỡng.
Ở châu Âu và Bắc Mỹ, dị tật Encephalocele mọc ra đầu thứ hai thường xảy ra ở phía sau đầu, trong khi ở Đông Nam Á, châu Phi, Malaysia và Nga, đầu thừa mọc trước mặt thường phổ biến hơn.