Công trình tại số 9A Nguyễn Gia Thiều vốn là nhà biệt thự được xếp vào nhóm 3 đã hư hỏng, xuống cấp được UBND TP đã đồng ý về chủ trương cho phép phá dỡ để xây dựng lại.
UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) số 198 cho bà Nguyễn Thanh Huyền được phép xây dựng công trình nhà ở gia đình. Nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã xây sai so với GPXD được cấp.
Như VietNamNet thông tin, ngày 16/9, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 2240/QĐ-KPHQ về việc "Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả" đối với hành vi vi phạm TTXD tại công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều.
Cụ thể, tầng 5: Tháo dỡ phần diện tích 80m2 mái BTCT, cao 3,5m; Tầng 6: Tháo dỡ phần diện tích 80m2 mái BTCT, cao 2,8m.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, ngay khi có quyết định trên đã yêu cầu đình chỉ thi công công trình.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân trên phố Nguyễn Gia Thiều những ngày qua công trình vẫn được thi công hối hả.
Ghi nhận trong ngày 21 và 23/9 tại công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều công nhân vẫn thi công bên trong. Tình trạng thi công vẫn tiếp diễn với khoảng chục công nhân. Tại khối công trình phía trong bên trên vẫn phủ bạt đen. Gạch, xi măng…vẫn được vận chuyển lên phía trên công trình bất chấp lệnh đình chỉ của UBND quận Hoàn Kiếm từ ngày 16/9.
Trong khi đó, hôm nay (ngày 24/9), phản ánh tình trạng trên ông Phạm Sơn Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo cho hay: Vừa rồi lực lượng chức năng đã xuống công trình cắt dỡ một loạt sắt thép ở trên tầng sai phép, tháo bạt phủ và hạ cốt pha.
“Bên trên công trình đã đình chỉ tuyệt đối và sẽ thực hiện tháo dỡ theo đúng quyết định của UBND quận. Còn thợ làm ở dưới không vấn đề gì” – ông Hà nói.
Theo Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị quận Hoàn Kiếm, những sai phạm tại công trình này cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ đề nghị thu hồi GPXD công trình này” – vị Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị thông tin.
Cũng phải nói thêm rằng, trước đó, chủ đầu tư đã không chấp hành lệnh đình chỉ thi công của UBND phường Trần Hưng Đạo.
Theo báo cáo của UBND phường Trần Hưng đạo, ngày 22/7, Tổ quản lý TTXD đô thị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm TTXD đối với bà Huyền, chủ công trình số 9A, Nguyễn Gia Thiều với nội dung: Phía trên mái BTCT tầng 4, tại vị trí trục 4-6 theo bản vẽ cấp phép được phê duyệt, hộ bà Huyền đã dựng 6 cốt théo cột cao 3m trên diện tích 85m2.
Tổ công tác yêu cầu bà Huyền đình chỉ thi công xây dựng sai phép, tự giác khắc phục tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành đình chỉ thi công xây dựng vẫn tiếp tục cho thi công lên đến tầng 6 (vượt 2 tầng so với giấy phép).
Trong một diễn biến khác, cũng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ngày 21 - 22/9, UBND quận Hoàn Kiếm đã huy động các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số nhà 26-28-30 Nhà Chung (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm). Đây là công trình gây bức xúc dư luận khi thành phố chỉ cho phép xây dựng ở phố Nhà Thờ, Nhà Chung (khu phố 4) nhà cao 4 tầng, không có tum vì sợ biến thành 5 tầng. Tuy nhiên, công trình 26 - 28 - 30 Nhà Chung lại được cấp giấy phép xây 6 tầng và chủ đầu tư đã xây lên tầng thứ 9.
Trong khi, quận Hoàn Kiếm đang phải nỗ lực khắc phục phá dỡ, cắt gọt công trình sai phép trên địa bàn thì vẫn có những công trình sai phép như tại số 9A Nguyễn Gia Thiều tiếp tục “vượt” phép, thi công bất chấp lệnh đình chỉ. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn TP Hà Nội đang chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng với quy định ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh thì phải chăng có sự bao che, làm ngơ từ phía các cơ quan chức năng liên quan cho các công trình vi phạm tại địa bàn quận trung tâm như Hoàn Kiếm?
Vi phạm xây dựng: Phải nêu rõ trách nhiệm chính quyền địa phương
Trong buổi thảo luận sửa Luật Xây dựng ngày 18/9, nhiều ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung nêu những bức xúc với các công trình xây dựng sai phạm hiện nay.
Nhận định về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, hiện tượng phạt cho tồn tại đang phổ biến khiến người dân băn khoăn, mất lòng tin và khó hiểu.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu lên bức xúc về tình trạng các công trình sai phạm lớn ngang nhiên tồn tại thời gian dài.
"Người dân xây nhà đổ một hai đống cát ở trước cửa là có lực lượng quản lý đô thị đến ngay. Thế nhưng công trình lớn sai phạm thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi thẩm quyền có thì trách nhiệm quản lý như thế nào?” – bà Nga nói.
Bà cũng đặt một loạt câu hỏi về trách nhiệm của những người có thẩm quyền đã tiếp tay cho sai phạm này với đại diện Bộ Xây dựng. “Phải nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương” - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt vấn đề.
Giải trình những vấn đề trên Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận các bức xúc trên hoàn toàn xác đáng.
Tuy nhiên, ông khẳng định, Nghị định 139 từ 1/1/2018 đã không cho phép việc "phạt cho tồn tại". "Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định", ông Hà nhấn mạnh.