Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khám chẩn đoán bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc, bội nhiễm, nghi ngờ do thuốc nhuộm tóc. Bác sĩ kê thuốc kháng sinh, kháng viêm uống để da đầu khô, lành và hết tróc vảy.
Một bệnh nhân nữ khác, 73 tuổi, sau khi nhuộm tóc bị nổi mẩn đỏ toàn thân, mẩn xuất hiện lan rộng từ đầu, mặt xuống thân mình, riêng da đầu nóng rát, cảm giác như kim chích. Bà nghĩ nguyên nhân là sức khỏe yếu dần do tuổi tác, không đi khám. Vài ngày sau, tình trạng dị ứng nặng hơn, toàn thân đỏ ửng, da phồng rộp, mặt và tay chân sưng phù, bà đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh đỏ da toàn thân (viêm da tróc vảy toàn thân). Sau một tuần điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng, da bệnh nhân mới có dấu hiệu cải thiện, bớt phồng rộp, tấy đỏ.
Bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết các sản phẩm tạo màu tóc (thuốc nhuộm tóc) thường chứa rất nhiều thành phần gây kích ứng da và dị ứng. Thị trường hiện nay xuất hiện tràn lan các loại thuốc nhuộm tóc với nhiều mức giá khác nhau, không rõ nguồn gốc, thành phần ẩn chứa nhiều loại hóa chất có hại làm tăng nguy cơ dị ứng, nấm da đầu, thậm chí ngộ độc toàn thân.
Theo bác sĩ Hưng, các trường hợp viêm da tiếp xúc do dị ứng thuốc nhuộm tóc đều xuất phát từ việc tiếp xúc với thành phần paraphenylenediamine (PPD) có trong thuốc nhuộm. Thông thường trong các thuốc nhuộm tóc bán trên thị trường, PPD được đóng trong chai riêng kèm một chất oxy hóa. Khi kết hợp với nhau, PPD sẽ bị oxy hóa một phần và gây ra phản ứng dị ứng ở những người có cơ địa nhạy cảm.
Để tránh nguy cơ tổn hại sức khỏe, bác sĩ khuyên người dùng nên chọn những nhãn hiệu thuốc nhuộm tóc uy tín, có thành phần từ thiên nhiên. Khoảng cách giữa hai lần nhuộm ít nhất là 6 tháng một lần. Người lớn tuổi có sức đề kháng yếu và hay mắc các bệnh mạn tính, cần lưu ý khi sử dụng.
Trước khi nhuộm nên thử thuốc bằng cách chấm một ít lên vùng da sau tai rồi để khoảng hai ngày, nếu cơ thể không có phản ứng thì thuốc nhuộm đó không gây dị ứng. Khi nhuộm, bắt buộc phải dùng găng tay, tránh để thuốc dính vào chân tóc.
Ngoài ra, bạn nên hấp dầu, sử dụng dầu gội có thành phần dưỡng ẩm cho da và tóc, chống nắng bằng cách đội nón sậm màu, che phủ tóc khi đi nắng. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cần hợp lý để duy trì mái tóc bóng khỏe.