Lừa đảo qua điện thoại mặc dù là chiêu cũ nhưng nạn nhân luôn mới và số lượng người sập bẫy ngày càng nhiều. Với chiêu trò này, người dân có thể bị mất tiền dù chỉ cần nhận một cuộc gọi. Vì vậy chủ thuê bao di động cần phải thật tỉnh táo để nhận biết, cảnh giác với các cuộc gọi lừa đảo.
Kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi
Tình trạng lừa đảo qua điện thoại đang diễn biến phức tạp, tràn lan trong thời gian dài khiến người dùng thuê bao điện thoại bất an, lo lắng. Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng số nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng tăng lên, một phần do các kịch bản ngày càng tinh vi gian xảo.
Gần đây, nhiều phụ huynh tại TP.HCM đã lên tiếng cảnh báo về kịch bản lừa tiền tinh vi qua điện thoại. Bằng cách sắm vai "thầy/cô giáo", kẻ lừa đảo sẽ thông báo cho "con mồi" con của họ đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch đồng thời đề nghị "hỏa tốc" chuyển tiền qua tài khoản để đóng tiền phẫu thuật.
Theo lời kể của các phụ huynh là nạn nhân trong vụ việc, họ nhận được điện thoại báo con của mình bị ngã chấn thương sọ não và đang lên ca mổ gấp nên yêu cầu người nhà chuyển khoản tiền để thầy giáo đóng tiền phẫu thuật. Các "thầy giáo" giả danh này còn đe dọa, nếu không nộp tiền hoặc nộp chậm thì con của họ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Chỉ trong ngày 3/3, tại bàn hướng dẫn cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 3 phụ huynh đến tìm con do có người thông báo con họ nhập viện đang trong tình trạng cấp cứu. Trong đó, 2 phụ huynh đã chuyển 70 triệu đồng vào tài khoản do người lạ cung cấp.
Cảnh giác với các cuộc gọi từ đầu số lạ
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, người dân khi nhận được cuộc gọi từ số lạ cần cảnh giác cao độ, không làm theo bất kỳ yêu cầu nào từ những kẻ lạ mà phải có sự xác minh lại với các tổ chức, cơ quan nhà nước có liên quan...
Với các cuộc gọi từ số lạ, các nhà mạng khuyến cáo khách hàng không nên gọi lại vì có thể dính bẫy lừa đảo của kẻ gian. Đơn cử như trường hợp lừa đảo khá phổ biến là nháy máy, nếu khách hàng gọi lại cho các số điện thoại lạ và khi cuộc gọi được kết nối thành công, người nghe chỉ nghe thấy những âm thanh được cài đặt sẵn, sau đó tài khoản sẽ bị trừ những khoản tiền rất lớn. Do đó, chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.
Hãy cảnh giác khi bạn nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ những các đầu số dưới đây:
Đầu số: +84069, +375, +371, +381, +563, +370, +255, +252, +247, +231, +371, +224, +232,…
Hoặc số: 6781, 6768, 7775, 8781, 7777, 8700, 8125, 7769, 6716, 8791, 7786, 8774…
Năm 2022, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an từng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn một số đối tượng lợi dụng công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh để lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản.
Theo cơ quan công an, rất nhiều người dân nhận được cuộc gọi từ các thuê bao có đầu số +870, +601, +084,... thông báo cho chủ phương tiện biết đã có hành vi vi phạm luật giao thông đường và hướng dẫn cách chuyển khoản để đóng tiền phạt.
Bản chất của thủ đoạn lừa đảo trên là các đối tượng tội phạm lợi dụng việc phạt nguội là người vi phạm giao thông không bị xử lý ngay, mà sẽ có thời gian xử lý. Các đối tượng tội phạm lợi dụng vào khoảng thời gian mà lực lượng CSGT cần để hoàn tất việc thực hiện quy trình xử phạt nói trên, đã tạo dựng thông tin giả mạo gửi tới các chủ phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chủ phương tiện đóng tiền phạt.
Cần làm gì khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo?
Từ 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa gọi đến, trích dẫn một số nội dung liên quan, theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng.
Ngoài việc gọi tới đầu số 156, người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156. Nếu cuộc gọi rác, cú pháp nhắn tin là V (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.
Nếu cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin theo cú pháp LD (số điện thoại) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.