Ung thư phổi là một trong ba căn bệnh phổ biến tại Việt Nam
Ở tuổi 33, nữ diễn viên Mai Phương phát hiện mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối khiến nhiều người hoang mang tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu của căn bệnh nan y này.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường, Trưởng khoa ngoại 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết ung thư phổi là một trong ba căn bệnh phổ biến ở nước ta.
"Khi tế bào ung thư phát triển, phổi sẽ không thực hiện được chức năng hô hấp dẫn đến thiếu hơi thở ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng làm việc. Ung thư phát triển ngày một nhiều sẽ dẫn đến di căn xa gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Khi tế bào ung thư đã lan rộng, việc điều trị không thể khỏi được gây tử vong”, PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường chia sẻ.
Tỉ lệ người bị ung thư phổi chủ yếu là người lớn tuổi, đặc biệt ở nam giới. Những người trẻ vẫn có khả năng mắc ung thư phổi với tỉ lệ nhỏ và rất hiếm.
Nói về nguyên nhân ung thư phổi, PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường cho biết nguyên nhân chủ yếu hàng đầu chính là thói quen hút thuốc lá kể cả việc hút thuốc lá thụ động. Với môi trường khép kín trong gia đình, nguy cơ hít phải khói thuốc gây bệnh càng cao.
Khác với những căn bệnh khác như ung thư trực tràng, ung thư vú – những bệnh có yếu tố di truyền giữa những người thân trong gia đình, yếu tố di truyền của bệnh ung thư phổi thường không rõ ràng.
Đối với những người trẻ tuổi không hút thuốc mắc bệnh ung thư phổi có thể do yếu tố di truyền. Yếu tố di truyền có thể từ cha mẹ hoặc đột biến trong gen của người bệnh. Theo đó, bản thân tế bào người con trong quá trình tăng trưởng, phát triển có hiện tượng đột biến và hiện tượng này là ngẫu nhiên.
Dấu hiệu ban đầu có thể lầm tưởng thành những căn bệnh khác
Bệnh ung thư phổi thông thường biểu hiện ở vùng phổi bằng các diếu hiệu như ho, đau ngực, trường hợp nặng sẽ có hiện tượng khó thở. Thông thường, người bệnh có những biểu hiện này được xem như đã muộn. Vì vậy, theo cách nói thông thường, những triệu chứng khởi đầu thường là những biểu hiện trễ của ung thư phổi, PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường thông tin.
Nhiều trường hợp ung thư phổi giai đoạn cuối (giai đoạn 4) không có biểu hiện ho, khó thở, đôi khi chỉ đau ngực nhẹ vì khối bướu trong phổi nhỏ. Lúc này, nhiều người có suy nghĩ làm việc quá sức nên dẫn tới tức ngực mà không nghĩ đến trường hợp đã mắc ung thư phổi. Khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối và có hiện tượng di căn xa.
Về phương pháp điều trị, PGS.TS.BS Phạm Hùng Cường cho biết phương pháp mới nhất hiện nay là sử dụng thuốc trúng đích. Đây là loại thuốc mới, không phải bệnh nhân nào cũng có thể điều trị được, chỉ những bệnh nhân có đột biến thích hợp mới có thể sử dụng loại thuốc này. Phương pháp này đã phổ biển rộng rãi ở Việt Nam nhưng giá thành cao, không phải bệnh nhân nào cũng có thể theo được.
Ưu điểm khi sử dụng thuốc là ít tác dụng phụ hơn hóa trị thông thường, bệnh nhân dễ tiếp nhận hơn. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng chỉ điều trị kéo dài, không điều tận gốc tế bào ung thư.
Để phòng ngừa căn bệnh ung thư phổi, bác sĩ Phạm Hùng Cường nhấn mạnh: "Những người có nguy cơ mắc bệnh cao (nam giới hút thuốc lá, người hút thuốc lá thụ động...) có dấu hiệu bất thường nên đi tầm soát bệnh. Đối với những người bình thường, nên lưu ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vận động và rèn luyện hàng ngày. Tỷ lệ ung thư ở người trẻ tuổi rất hiếm và ít, vì vậy tâm lý mọi người không nên quá hoang mang trước nhiều nguồn thông tin trên mạng".