Bệnh nhân Nguyễn H.L. (22 tuổi, trú Bà Rịa - Vũng Tàu) vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám vì đau âm ỉ trên rốn. Bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện tổn thương nhiễm cứng dạ dày vùng hang vị.
Bác sĩ nội soi đã bấm luôn sinh thiết tổn thương cho kết quả ung thư dạ dày tế bào nhẫn. L. được bác sĩ phẫu thuật cắt bán phần dưới dạ dày, nạo hạch D2. L. mắc thể ung thư dạ dày tế bào nhẫn nghĩa là ung thư có mức độ ác tính cao, khả năng phẫu thuật cắt dạ dày triệt căn thấp và thời gian sống sau mổ ngắn.
Bệnh nhân Vũ T.L.A. ( 28 tuổi, trú tại Lạng Sơn) cũng bị ung thư dạ dày. L.A. cho biết trong nhà của cô, bố mẹ và cô đều có tiền sử viêm loét dạ dày. L.A. cho biết cách đây 3 năm, cô thường hay đau bụng thượng vị, ợ chua.
Cô đi nội soi dạ dày bác sĩ cho biết bị viêm loét dạ dày. Trong 2 năm dịch bệnh, L.A. ngại đi khám bệnh và khi có triệu chứng viêm loét dạ dày, L.A. mua cả thuốc tây và thuốc nam về uống vì chỉ nghĩ đó là viêm loét dạ dày thông thường.
Tuy nhiên, đến tháng 4 vừa qua, L.A. thường xuyên đau bụng, ăn uống không ngon miệng, bụng lúc nào cũng ậm ạch khó chịu, buồn nôn nên L.A. đến bệnh viện kiểm tra.
Cô điếng người khi bác sĩ cho biết ổ viêm loét cũ đã phát triển thành u sùi, nghi ngờ ung thư. Kết quả sinh thiết tế bào niêm mạc cho thấy L.A. bị ung thư. Nghe đến bệnh ung thư, cô gái trẻ bất ngờ vì từ lâu chỉ nghĩ các triệu chứng của mình là viêm loét dạ dày thông thường.
BS Nguyễn Phú Hữu - Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - cho biết ung thư dạ dày là một trong 5 loại ung thư hay gặp. Theo thống kê năm 2020, ung thư dạ dày chỉ đứng sau ung thư gan và ung thư phổi.
Năm 2020, tổng số bệnh nhân ung thư dạ dày của Việt Nam khoảng 200 nghìn trường hợp, đây là con số rất lớn, làm gánh nặng cho bệnh viện và xã hội.
Đa số bệnh nhân đến khám đều là giai đoạn muộn, giai đoạn 3, giai đoạn 4. Bệnh nhân chỉ đến viện khi đau bụng, sụt cân, vàng da, vàng mắt do ung thư di căn. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân phát hiện sớm qua đi khám sức khỏe thường quy.
BS Phú cho biết triệu chứng của ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm không có triệu chứng, bệnh âm thầm. Đến khi tế bào ung thư phát triển trong lòng bao tử, bệnh nhân có triệu chứng ăn vào buồn nôn, cảm giác đầy bụng, ăn vào chậm tiêu. Một số người nôn ra máu do khối u vỡ ra, đại tiện phân đen. Một số trường hợp di căn đến gan mật, bụng bệnh nhân chướng to.
Theo bác sĩ Phú, triệu chứng ung thư dạ dày chồng lấn với triệu chứng viêm dạ dày thông thường. Vì vậy, với người có các triệu chứng viêm dạ dày, BS Phú khuyến cáo họ nên đi tầm soát để khẳng định lành tính hay ác tính. Bác sĩ chỉ cần nội soi dạ dày có thể chấn đoán khá chính xác.
Hình ảnh nội soi bác sĩ quan sát được hết các tổn thương trong dạ dày, loét, u sùi, sinh thiết mẫu bệnh phẩm trong dạ dày để giải phẫu bệnh xem bệnh nhân có bị ung thư hay không.
BS Phú cho biết qua hình ảnh nội soi bác sĩ chẩn đoán cũng có thể đánh giá được bệnh có nguy hiểm không.
Với viêm loét dạ dày chuyển thành ung thư, bác sĩ Phú cho biết có nhiều cách điều trị phẫu thuật cắt bỏ ung thư dạ dày, kèm theo lấy hạch, rễ cơ quan xung quanh xâm lấn. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ tiếp tục làm giải phẫu bệnh để xem có phải hóa trị không.
Để phòng ung thư dạ dày, bác sĩ Phú khuyến cáo nếu có triệu chứng nghi ngờ về bệnh lý dạ dày (đầy bụng, khó tiêu...), người dân nên đi khám, để bác sĩ tầm soát, kiểm tra xem bạn có nằm trong nhóm nguy cơ không.
Những người có người thân - ba mẹ, anh chị em - bị ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt ung thư dạ dày, hoặc bản thân có tiền căn nhiễm H.pylori cũng nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
Trong cuộc sống hàng ngày, người bệnh hạn chế bia rượu, ăn đồ chiên xào, đồ nướng vì những thực phẩm này có các chất dễ gây ung thư dạ dày hơn các trường hợp khác.