Đầu tháng 2, anh L.N.H. (46 tuổi) từ Nha Trang vào TPHCM công tác. Khi đang ngồi ăn uống, anh đột ngột bị yếu liệt nửa người, bạn bè phải đưa đến bệnh viện cấp cứu lúc nửa đêm.
Xác định bệnh nhân bị đột quỵ và đang gặp nguy hiểm, các bác sĩ ngay lập tức ra y lệnh khẩn, thiết lập báo động đỏ nội viện. Bộ phận an ninh, thang máy, điều dưỡng di chuyển người bệnh theo lối ưu tiên, còn bộ phận chẩn đoán hình ảnh cũng sẵn sàng làm việc khẩn cấp. Song song đó, bác sĩ nội thần kinh cũng có mặt để tranh thủ từng phút giây để cứu sống người bệnh.
Chỉ sau 25 phút kể từ khi nhập viện, anh H. đã được điều trị khẩn bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rTPA) ngay tại phòng chụp CT. Sau 60 phút, anh H. bắt đầu hồi phục, có thể cử động nhẹ phần thân bên phải. Hiện tại, sức khỏe của anh đã ổn định và đang điều trị nội khoa kết hợp tập vật lý trị liệu để hồi phục.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội thần kinh tại bệnh viện điều trị cho anh H. chia sẻ, may mắn bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong giờ vàng (3-4,5 giờ đầu sau khi phát bệnh) nên được cứu kịp thời. Bệnh nhân bị cao huyết áp và đái tháo đường, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, đột quỵ. Do đó, cần tích cực điều trị ổn định các bệnh lý nền, mạn tính. Nếu lơ là, nguy cơ tái đột quỵ có thể xảy ra nghiêm trọng hơn.
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ từ nhẹ đến nặng. Chỉ riêng tại TPHCM, mỗi ngày có đến 300 ca đột quỵ nhập viện.
Đáng chú ý, gần 70% trường hợp đột quỵ không được cấp cứu kịp thời trong khung giờ vàng, khiến người bệnh đối mặt với các biến chứng nặng nề. Trong đó, khoảng 50% ca đột quỵ tử vong.
Các bác sĩ cho biết, nếu không may xảy ra đột quỵ, việc nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời trong giờ vàng sẽ giúp cứu sống người bệnh, nâng cao cơ hội hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường. Hiện nay, có nhiều phương pháp, kỹ thuật cấp cứu đột quỵ trong giờ vàng, bao gồm dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch lấy huyết khối, nút tắc mạch máu não bị vỡ, phẫu thuật...
Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý tầm soát sớm đột quỵ, để tránh các nguy cơ tiềm ẩn. Khi đột ngột có những dấu hiệu như méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… phải đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để được can thiệp điều trị kịp thời.