Nói đến các món ăn ngày Tết thì ta không thể không nhắc tới bánh chưng, bánh tét, hay các loại mứt, đồ ăn mặn như thịt mỡ, dưa hành... Nếu như những ngày đầu năm mới mà thiếu những món này thì thiếu hẳn hương vị ngày Tết. Trong đó, củ kiệu ngâm dùng để ăn kèm với nhiều món ăn khác càng hấp dẫn bạn bè và gia đình hơn trong bữa cơm đoàn viên. Nếu như nó đã trở thành món ăn của văn hóa, của truyền thống Tết Nguyên Đán rồi vậy tại sao bạn không học cách làm kiệu chua ngâm đường ngay nhỉ.
Tết sắp đến rồi, hôm nay hãy thử vào bếp và cùng chúng tôi làm món kiệu chua ngọt thơm ngon, hấp dẫn này ngay nhé. Chắc chắn bạn sẽ thực hiện thành công chỉ trong lần áp dụng đầu tiên đấy.
Nguyên liệu làm kiệu chua ngâm đường
Nghe tên gọi thôi ta cũng biết được nguyên liệu chính dùng cho món ăn này chính là củ kiệu và đường.
Củ kiệu có khá nhiều loại khác nhau, tùy vào sở thích ăn uống của mỗi gia đình mà lựa chọn. Tuy nhiên, theo như kinh nghiệm của ông cha truyền lại thì nếu muốn làm kiệu chua ngon nhất thì nên chọn loại củ kiệu nhỏ. Vì củ nhỏ sẽ nhanh thấm hơn, chua nhanh hơn và khi ăn vào sẽ đậm vị hơn. Vào dịp gần Tết, bạn dễ dàng mua được củ kiệu ở ngoài chợ hay các cửa hàng nông phầm.
Ngoài nguyên liệu là củ kiệu và đường thì trong quá trình sơ chế, bạn còn cần dùng thêm muối, phèn chua và cả giấm ăn nữa. Bạn không cần số lượng nhiều, chỉ lượng ít đủ để rửa kiệu là được.
Cách làm kiệu chua ngâm đường ngon
Đầu tiên, sau khi mua kiệu về, bạn hãy rửa qua với nước để sạch đất cát. Sau đó lấy 1 thau nước muối pha loãng rồi đem ngâm củ kiệu vào. Ngâm như vậy trong khoảng 12 tiếng đồng hồ rồi rửa lại vài lần nữa với nước. Công đoạn này nên thực hiện vào buổi tối, để buổi sáng sau khi ngủ dậy bạn có thể chế biến.
Sau đó, tiếp tục ngâm kiệu với nước phèn chua thêm một vài tiếng nữa rồi lại xả lại với nước. Tiếp theo là đem kiệu ra phơi nắng để kiệu khô hoàn toàn, bạn chỉ cần phơi khoảng 1 – 2 ngày là được.
Khi đã phơi xong, bạn hãy lấy kiệu vào cắt bỏ rễ, lá và lột bỏ phần vỏ bên ngoài. Lấy toàn bộ đem rửa với giấm ăn và xả lại vài lần với nước. Những công đoạn này có mục tiêu chính là giảm độ hăng, cay nồng của củ kiệu cũng như giúp kiệu giòn và ngon hơn.
Khi kiệu đã ráo nước, việc cuối cùng là ngâm kiệu với đường. Bạn hãy chuẩn bị một bình thủy tinh hoặc bình nhựa, sau đó cho 1 lớp củ kiệu rồi đến 1 lớp đường. Cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi kiệu hết là xong. Đậy nắp kín, đem phơi nắng 2 ngày để kiệu ra nước bắt đầu lên men chua tự nhiên cũng như đường tan chảy hoàn toàn. Sau đó ngâm kiệu ở nơi khô thoáng, sau khoảng 1 – 2 tuần là có thể sử dụng được.
Thành phẩm món kiệu chua ngọt
Như đã nêu trên, với cách làm kiệu chua ngâm đường đơn giản này, bạn dễ dàng thực hiện được ngay tại nhà.
Thành phẩm kiệu chua ngọt đúng chuẩn ăn vào sẽ không bị hăng và quá cay mà có vị chua ngọt hòa quyện và thấm vị. Đồng thời, kiệu sẽ có mùi chua lên men tự nhiên. Đảm bảo khi ăn vào bạn sẽ hài lòng đấy.
Món kiệu ngâm chua ngọt này có thể dùng để ăn kèm với bánh chưng, bánh tét hay các loại rau sống, thịt luộc, xôi... Tùy vào khẩu vị và sở thích của từng người mà có cách kết hợp ăn ý nhất nhé. Chúc bạn thực hiện thành công cho ngày Tết thêm trọn vẹn nhé.